Việc xác định một người là “không nơi nương tựa” và điều kiện “phải trực tiếp nuôi dưỡng” có ý nghĩa quan trọng trong áp dụng chính sách thuế và các quy định pháp luật liên quan. Dựa trên quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình, bài viết này phân tích thứ tự nghĩa vụ nuôi dưỡng, điều kiện xác định người phụ thuộc và những lưu ý quan trọng trong thực tiễn áp dụng. Đồng thời, chúng tôi cũng đề xuất cách tiếp cận hợp lý nhằm đảm bảo tính nhất quán và phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.
1, Phân tích điều kiện giảm trừ gia cảnh
Theo pháp luật thuế TNCN, ngoài mối quan hệ vợ - chồng, bố/mẹ - con, điều kiện cho NPT có mối quan hệ khác với NNT như sau:
✔ (1) không nơi nương tựa(*)
✔ (2) người nộp thuế phải trực tiếp nuôi dưỡng(*)
✔ (3) thuộc đối tượng quy định tại tiết d.4 điểm d khoản 1 Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC (tức thuộc mối quan hệ anh/chị - em, ông/bà/cô/dì/cậu/chú/bác – cháu hoặc theo quy định pháp luật)
✔ (4) đáp ứng điều kiện quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC (thu nhập tháng không vượt quá 1.000.000 đồng và nếu trong tuổi lao động thì phải không có khả năng lao động).
(*) Lưu ý: Đối với điều kiện (1) và (2), từ văn bản luật đến thông tư đều sử dụng thống nhất cụm từ “không nơi nương tựa mà người nộp thuế phải trực tiếp nuôi dưỡng”
2, Hướng dẫn của cơ quan thuế
Theo một số công văn của TCT, các điều điều kiện (1) và (2) ở trên đang được hướng dẫn cụ thể như sau:
👉 Về (1) "không nơi nương tựa": Cụ thể một số trường hợp như sau:
- Đối với trẻ em thì xác định theo Điều 5 Nghị định số 56/2017/NĐ-CP.
- Đối với cô, dì, chú, cậu, bác ruột vẫn có người thân là anh, chị, em ruột, con có đủ khả năng nuôi dưỡng thì không được coi là người không nơi nương tựa.
👉 Về (2) "phải trực tiếp nuôi dưỡng": Xác định theo nghĩa vụ cấp dưỡng theo Luật Hôn nhân và Gia đình.
Cụ thể các công văn liên quan:
Tại Công văn 217/TCT-DNNCN ngày 17/01/2020, TCT hướng dẫn:
“- Căn cứ Khoản 1, Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân quy định về các khoản giảm trừ Theo các quy định trên Tổng cục Thuế thống nhất với đề xuất của Cục Thuế thành phố Hà Nội tại công văn số 75997/CT-TTHT. Trường hợp người lao động làm việc tại Công ty đăng ký người phụ thuộc là cô, dì, chú, cậu, bác ruột vẫn có người thân là anh, chị, em ruột, con có đủ khả năng nuôi dưỡng thì không được coi là người không nơi nương tựa.”
Tại Công văn số 4758/TCT-DNNCN ngày 26/10/2023, TCT hướng dẫn:
"Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp người nộp thuế đăng ký giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc là cháu nội, cháu ngoại (mà vẫn còn bố mẹ đang trong độ tuổi lao động, vẫn có khả năng lao động và nuôi dưỡng) thì không thuộc đối tượng được giảm trừ gia cảnh theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính."
Tại Công văn số 685/TCT-DNNCN ngày 27/02/2024, TCT hướng dẫn:
"Tại Điều 107 Luật hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13 quy định:“Điều 107. Nghĩa vụ cấp dưỡng1. Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này.Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.”Căn cứ các quy định và hướng dẫn nêu trên, trường hợp người nộp thuế đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc là cá nhân không nơi nương tựa mà người nộp thuế trực tiếp nuôi dưỡng thì phải đáp ứng điều kiện theo hướng dẫn tại tiết d.4 điểm d, điểm đ khoản 1 Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC và theo quy định tại Điều 107 Luật hôn nhân và gia đình. Đề nghị Cục thuế tỉnh An Giang căn cứ hồ sơ thực tế và xử lý theo đúng quy định của pháp luật."
Tại Công văn 4298/TCT-DNNCN ngày 26/9/2024, TCT hướng dẫn:
"Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp người nộp thuế đăng ký giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc là cháu nội, cháu ngoại (mà vẫn còn bố mẹ đang trong độ tuổi lao động, vẫn có khả năng lao động và nuôi dưỡng) thì không thuộc đối tượng được giảm trừ gia cảnh theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính."
Tại Công văn số 5522/TCT-DNNCN ngày 27/11/2024, TCT hướng dẫn:
"Căn cứ quy định tại khoản 1, Điều 114 Luật Hôn nhân và Gia đình số 52/2014/QH13 ngày 19/06/2014 của Quốc hội;Điều 114. Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột1. Cô, dì, chú, cậu, bác ruột không sống chung với cháu ruột có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu trong trường hợp cháu chưa thành niên hoặc cháu đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người khác cấp dưỡng theo quy định của Luật này.2. Cháu đã thành niên không sống chung với cô, dì, chú, cậu, bác ruột có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cô, dì, chú, cậu, bác ruột trong trường hợp người cần được cấp dưỡng không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người khác cấp dưỡng theo quy định của Luật này.Căn cứ quy định tại Điều 5 Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/05/2017 của Chính Phủ;Điều 5. Trẻ em không nơi nương tựa1. Trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại mất tích theo quy định của pháp luật.2. Trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội hoặc không còn khả năng chăm sóc, nuôi dưỡng.[…][…] Căn cứ quy định và hướng dẫn nêu trên, trường hợp người nộp thuế (cô ruột) đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc (cháu ruột) mà người nộp thuế trực tiếp nuôi dưỡng thì phải đáp ứng điều kiện theo hướng dẫn tại tiết d.4 điểm d, điểm đ khoản 1 Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC và các quy định tại khoản 1, Điều 114 Luật Hôn nhân và Gia đình số 52/2014/QH13 của Quốc hội và Điều 5 Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/05/2017 của Chính Phủ. Đề nghị Cục Thuế tỉnh Bạc Liêu căn cứ hồ sơ thực tế và xử lý theo đúng quy định của pháp luật."
3, Quy định của pháp luật
Về (1) – “không nơi nương tựa”: Hệ thống pháp luật hiện hành không có quy định chung về người không nơi nương tựa. Nghị định 31/2013/NĐ-CP từng có quy định về khái niệm này nhưng đến nay đã hết hiệu lực.
Về (2) – “phải trực tiếp nuôi dưỡng”: Theo các quy định của Luật được dẫn dưới đây, cấp dưỡng và nuôi dưỡng là 2 nghĩa vụ khác nhau. Cấp dưỡng áp dụng với người không sống chung. Khi đã nuôi dưỡng thì không cấp dưỡng, nếu phải nuôi dưỡng mà không thực hiện thì Tòa án có thể buộc cấp dưỡng. Người được cấp dưỡng phải thuộc trường hợp: người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật.
Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định:
Điều 3. Giải thích từ ngữ24. Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật này.Điều 107. Nghĩa vụ cấp dưỡng1. Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này.Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.2. Trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng trốn tránh nghĩa vụ thì theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 119 của Luật này, Tòa án buộc người đó phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của Luật này.
4, Đánh giá hướng dẫn của TCT
Về (1) – “không nơi nương tựa”: Hiện đã không còn một quy định để xác định người không nơi nương tựa. Tuy nhiên, đến nay chưa có công văn của TCT đưa ra các tiêu chí xác định cụ thể.
Về (2) – “phải trực tiếp nuôi dưỡng”: Chưa rõ TCT yêu cầu phải tuân thủ quy định về “cấp dưỡng” có phải để hướng dẫn xác định việc trực tiếp nuôi dưỡng không. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng dẫn chiếu này chưa phù hợp do “nuôi dưỡng” và “cấp dưỡng” là khác nhau.
5, Đề xuất, hướng dẫn
5.1, Về (1) – “không nơi nương tựa”:
Luật Hôn nhân và Gia đình quy định thứ tự nghĩa vụ nuôi dưỡng giữa người thân tại Điều 104-106, cơ bản như sau: (i) bố/mẹ và con > (ii) anh, chị, em > (iii) ông bà nội/ngoại và cháu > (iv) cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột (chi tiết xem tại các điều luật).
Theo đó, chúng tôi cho rằng, không còn người có nghĩa vụ nuôi dưỡng ở thứ tự phía trước của NNT thì người phụ thuộc mới được xác định là “không nơi nương tựa”. Ví dụ, nếu ông bà còn có con cái thì cháu chưa có nghĩa vụ nuôi dưỡng và ông bà không phải là người không nơi nương tựa với cháu.
Bên cạnh đó, theo chúng tôi, cũng cần không có người cấp dưỡng theo Điều 107-120 của Luật Hôn nhân và Gia đình thì mới được xem là “không nơi nương tựa”.
5.2, Về (2) – “phải trực tiếp nuôi dưỡng”:
Có 2 từ cần lưu ý ở đây:
Thứ nhất là “phải”. Tức là việc nuôi dưỡng người phụ thuộc được pháp luật quy định là nghĩa vụ của NNT. Cụ thể là theo Luật Hôn nhân và Gia đình (Điều 104-106) hoặc quy định pháp luật khác (nếu có). Nếu một người được NNT thực tế nuôi dưỡng nhưng không phải là nghĩa vụ theo luật định (do NNT tự nguyện) thì không được xem là người phụ thuộc.
Thứ hai là “trực tiếp”. Ở điểm này, lưu ý tới thứ tự nghĩa vụ nuôi dưỡng như đã nêu trên tại mục (1) – “không nơi nương tựa”. Nếu còn có cấp trước đó có nghĩa vụ nuôi dưỡng thì có thể bị xem là chưa “trực tiếp”. Ví dụ, nếu bố, mẹ không còn nhưng còn anh, chị trong tuổi lao động có nghĩa vụ nuôi dưỡng em thì ông, bà không thể nhận cháu làm người phụ thuộc.
Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý thêm rằng: theo quy định về hồ sơ chứng minh tại Thông tư 111/2013/TT-BTC thì người được nuôi dưỡng phải sống cùng NNT hoặc không có người nuôi dưỡng khác nếu không sống cùng.
Chúng tôi cho rằng không nên áp dụng quy định về “cấp dưỡng” để xác định nghĩa vụ nuôi dưỡng như được nêu tại một số công văn TCT. Thực tế, TCT cũng có Công văn số 4298/TCT-DNNCN ngày 26/9/2024 và 4758/TCT-DNNCN ngày 26/10/2023 dẫn chiếu đến đúng Điều 104 và Điều 105 về nuôi dưỡng.
Ảnh: freepik