Thuế nhà thầu với hãng tàu nước ngoài là một vấn đề phức tạp, có nhiều tranh cãi, từng phải đưa lên Bộ Tài chính "hạ hồi phân giải".
1, Hãng tàu nước ngoài có phải chịu thuế nhà thầu?
- Tại Khoản 2 Điều 2 Luật Thuế TNDN quy định:
“Điều 2. Người nộp thuế2. Doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật này phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:...c) Doanh nghiệp nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam mà khoản thu nhập này không liên quan đến hoạt động của cơ sở thường trú;d) Doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam.”
- Tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư số 103/2014/TT-BTC quy định đối tượng áp dụng:
“Tổ chức nước ngoài kinh doanh có cơ sở thường trú tại Việt Nam hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam; cá nhân nước ngoài kinh doanh là đối tượng cư trú tại Việt Nam hoặc không là đối tượng cư trú tại Việt Nam (sau đây gọi chung là Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài) kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng, thỏa thuận, hoặc cam kết giữa Nhà thầu nước ngoài với tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc giữa Nhà thầu nước ngoài với Nhà thầu phụ nước ngoài để thực hiện một phần công việc của Hợp đồng nhà thầu.”
- Tại Khoản 3 Điều 2 Thông tư số 103/2014/TT-BTC quy định đối tượng không áp dụng:
“Tổ chức, cá nhân nước ngoài có thu nhập từ dịch vụ được cung cấp và tiêu dùng ngoài Việt Nam.”
👉 Như vậy, trường hợp hãng tàu nước ngoài (kể cả có hoặc không có cơ sở thường trú* tại Việt Nam) kí hợp đồng để cung cấp dịch vụ cho tổ chức, cá nhân Việt Nam thì thuộc đối tượng chịu thuế nhà thầu (đối với thu nhập từ dịch vụ không được cung cấp và tiêu dùng ngoài Việt Nam).
*Cơ sở thường trú được quy định tại Khoản 3 Điều 2 Luật Thuế TNDN.
2, Thu nhập chịu thuế và thuế suất
2.1, Về thuế GTGT:
Tại Luật Thuế GTGT quy định:
“Điều 3. Đối tượng chịu thuếHàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, trừ các đối tượng quy định tại Điều 5 của Luật này.Điều 8. Thuế suất1. Mức thuế suất 0% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, vận tải quốc tế và hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng quy định tại Điều 5 của Luật này khi xuất khẩu, trừ các trường hợp sau đây: […]”
Tại khoản 1 Điều 9 Thông tư 219/2013/TT-BTC cũng quy định vận tải quốc tế thuộc trường hợp áp dụng thuế suất 0%. Theo đó, một số công văn của các cục thuế (Hà Nội, TPHCM) hướng dẫn cước vận tải quốc tế mà nhà thầu nước ngoài thu thuộc trường hợp áp dụng thuế suất 0%. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng thuế suất 0% chỉ áp dụng với dịch vụ xuất khẩu, tức dịch vụ được cung cấp bởi bên Việt Nam (cho bên nước ngoài). Vì lẽ đó, dịch vụ do NTNN cung cấp sẽ không được xem là dịch vụ xuất khẩu, không được áp dụng thuế suất 0%.
Vấn đề này đang được Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế xử lý như sau:
Căn cứ pháp lý được viện dẫn: Tại Điểm b, Khoản 3 Điều 2 Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định: Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam mua dịch vụ của tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, cá nhân ở nước ngoài là đối tượng không cư trú tại Việt Nam, bao gồm các trường hợp: Sửa chữa phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị (bao gồm cả vật tư, phụ tùng thay thế); quảng cáo, tiếp thị; xúc tiến đầu tư và thương mại; môi giới bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ; đào tạo; chia cước dịch vụ bưu chính, viễn thông quốc tế giữa Việt Nam với nước ngoài mà các dịch vụ này được thực hiện ở ngoài Việt Nam thuộc đối tượng không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT).
Hướng dẫn cụ thể:
Tại Công văn 1589/TCT-CS ngày 25/4/2017 của Tổng cục Thuế hướng dẫn:
“Căn cứ các quy định nêu trên thì giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển của hãng tàu nước ngoài không thuộc đối tượng phải kê khai, tính nộp thuế GTGT”
Tại Công văn 6142/BTC-CST ngày 09/5/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn:
“I. Về chính sách thuế đối với giá và khoản phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển của hãng tàu nước ngoài1. Đối với khoản phụ thu được coi là giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biểnCác khoản phụ thu được coi là giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển (sau đây gọi là khoản phụ thu theo giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển) là giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển phụ (Surcharges) có tác dụng bù đắp trực tiếp vào giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển chính (Freight) mỗi khi có những biến động lớn làm giảm nguồn thu của người vận chuyển từ giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển và sẽ mất đi khi biến động mất đi, đồng thời phải do người thanh toán giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển (người có quyền thuê tàu - xuất CIF, nhập FOB) thanh toán, bao gồm: phụ thu dịch vụ xếp dỡ container (THC); phụ thu cước xăng dầu EBS/BUC/FRC; phụ thu mất cân bằng container; phụ thu (ASC-STS-ARS-EBS) theo giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển; phụ thu biến động tỷ giá tiền tệ; phụ thu tắc nghẽn cảng; phụ thu mùa cao điểm; phụ thu vận tải mùa đông; phụ thu thời tiết xấu; phụ thu rủi ro khẩn cấp (ERC); phụ thu rủi ro chiến tranh.Căn cứ vào các quy định nêu trên thì khoản phụ thu theo giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển của hãng tàu nước ngoài không thuộc đối tượng phải kê khai, tính nộp thuế GTGT…2. Đối với khoản phụ thu khác ngoài giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển (phụ thu chi phí phát sinh)Các Khoản phụ thu khác ngoài giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển của các hãng tàu nước ngoài bao gồm:- Các khoản phụ thu mà doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam phải trả cho các hãng tàu nước ngoài không thuộc các khoản nêu tại Điểm 1;- Các khoản phụ thu nêu tại Điểm 1 trong trường hợp bên Việt Nam xuất FOB, nhập CIF nhưng lại phải trả cho các hãng tàu nước ngoài.Căn cứ vào các quy định nêu trên và quy định tại Điểm b, Khoản 3 Điều 2 Nghị định số 209/2013/NĐ-CP, trường hợp các khoản phụ thu khác ngoài giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển mà hãng tàu nước ngoài được hưởng từ dịch vụ được thực hiện ngoài Việt Nam thì không thuộc đối tượng nộp thuế nhà thầu (thuế GTGT, thuế TNDN) tại Việt Nam, trường hợp dịch vụ thực hiện tại Việt Nam thì thuộc đối tượng áp dụng thuế nhà thầu tại Việt Nam, cụ thể: Nộp thuế GTGT theo tỷ lệ 5% trên doanh thu và nộp thuế TNDN theo tỷ lệ 5% trên doanh thu. Trường hợp hãng tàu nước ngoài thuê lại các công ty Việt Nam thực hiện một số dịch vụ ở Việt Nam thì doanh thu của hãng tàu nước ngoài không bao gồm giá trị công việc do bên Việt Nam thực hiện.”
Tóm lại:
- Giá dịch vụ vận chuyển: không phải phải kê khai, tính nộp thuế GTGT.
- Các khoản phụ thu được coi là giá dịch vụ vận chuyển (phải do người có quyền thuê tàu theo hợp đồng/điều kiện thương mại (VD: xuất CIF/nhập FOB) chi trả và thuộc danh sách nêu tại điểm I.1 Công văn 6142): không phải phải kê khai, tính nộp thuế GTGT.
- Phụ thu khác:
- Dịch vụ được thực hiện tại Việt Nam: chịu thuế GTGT tỷ lệ 5%.
- Dịch vụ được thực hiện ngoài Việt Nam: không chịu thuế GTGT.
Chúng tôi cho rằng mặc dù căn cứ pháp lý là Nghị định 209/2013/NĐ-CP chưa thật sự rõ ràng, các hướng dẫn của BTC và TCT là phù hợp với Điều 3 của Luật Thuế GTGT.{alertWarning}
2.2, Về thuế TNDN:
2.2.a) Nguyên tắc chung
Tại khoản 2 Điều 2 Luật Thuế TNDN quy định:
“c) Doanh nghiệp nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nammà khoản thu nhập này không liên quan đến hoạt động của cơ sở thường trú;d) Doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam.”
Theo nguyên tắc được xác định tại Luật Thuế TNDN:
- Thu nhập liên quan hoạt động của cơ sở thường trú: TN phát sinh tại Việt Nam và ngoài Việt Nam.
- Thu nhập KHÔNG liên quan hoạt động của cơ sở thường trú: TN phát sinh tại Việt Nam.
Tại Điểm b.6 Khoản 1 Điều 13 Thông tư số 103/2014/TT-BTC ngày 06/8/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam quy định:
“b.6) Doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) của hãng vận tải biển nước ngoài là toàn bộ tiền cước thu được từ hoạt động vận chuyển hành khách, vận chuyển hàng hóa và các khoản phụ thu khác mà hãng vận tải biển được hưởng từ cảng xếp hàng của Việt Nam đến cảng cuối cùng bốc dỡ hàng hóa đó (bao gồm cả tiền cước của các lô hàng phải chuyển tải qua các cảng trung gian) và/hoặc tiền cước thu được do vận chuyển hàng hóa giữa các cảng Việt Nam.Tiền cước vận chuyển làm căn cứ tính thuế TNDN không bao gồm tiền cước đã tính thuế TNDN tại cảng Việt Nam đối với chủ tàu nước ngoài và tiền cước trả cho doanh nghiệp vận tải Việt Nam do đã tham gia vận chuyển hàng từ cảng Việt Nam đến một cảng trung gian”.
👉 Như vậy, quy định trên chỉ quy định doanh thu tính thuế TNDN bao gồm: (1) Tiền cước vận chuyển từ cảng xếp hàng của VN đến cảng cuối cùng, (2) Tiền cước vận chuyển giữa các cảng Việt Nam. Quy định trên không đề cập tới cước vận chuyển từ cảng nước ngoài về cảng Việt Nam.
2.2.b) Về cước vận chuyển
Việc xác định cước vận chuyển chịu thuế TNDN nhà thầu được hướng dẫn cụ thể tại Công văn 1589/TCT-CS ngày 25/4/2017 của Tổng cục Thuế:
“…giá dịch vụ vận chuyển quốc tế bằng đường biển đối với chiều từ Việt Nam đi nước ngoài (bên Việt Nam xuất khẩu hàng hóa theo điều kiện CIF) thuộc đối tượng áp dụng thuế TNDN với tỷ lệ 2% trên doanh thu tính thuế. Trường hợp bên Việt Nam nhập khẩu hàng hóa theo điều kiện FOB thì giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển không phải kê khai, tính nộp thuế TNDN.”
Nhìn chung:
- Cước vận chuyển từ VN đi nước ngoài: chịu thuế TNDN (theo điều kiện CIF, bên VN xuất khẩu có trách nhiệm trả cước vận chuyển).
- Cước vận chuyển từ nước ngoài về VN: không phải kê khai, tính nộp thuế TNDN (theo điều kiện FOB, bên VN nhập khẩu có trách nhiệm trả cước vận chuyển).
Tại Công văn 525/CT-TTHT ngày 18/01/2018, Cục Thuế Hà Nội hướng dẫn:
“+ Cước vận tải quốc tế: […]; Thuế TNDN: vận chuyển hàng từ Việt Nam đi nước ngoài áp dụng tỷ lệ thuế TNDN là 2%, vận chuyển hàng từ nước ngoài về Việt Nam không phải kê khai, tính, nộp thuế TNDN.”
2.2.c) Về phụ thu
Việc xác định cước vận chuyển chịu thuế TNDN nhà thầu được hướng dẫn cụ thể tại Công văn 6142/BTC-CST ngày 09/5/2016 của Bộ Tài chính.
👉 Tóm lại:
- Phụ thu được coi là giá dịch vụ vận chuyển (phải do người có quyền thuê tàu theo hợp đồng/điều kiện thương mại (VD: xuất CIF/nhập FOB) chi trả và thuộc danh sách nêu tại điểm I.1 Công văn 6142):
- Chiều Việt Nam đi nước ngoài (bên Việt Nam xuất khẩu hàng hóa theo điều kiện CIF): chịu thuế TNDN tỷ lệ 2%.
- Chiều nước ngoài về Việt Nam (bên Việt Nam nhập khẩu hàng hóa theo điều kiện FOB): không phải kê khai, tính nộp thuế TNDN.
- Phụ thu khác (không được liệt kê tại điểm I.1 Công văn 6142 hoặc không phải do người quyền thuê tàu chi trả (VD: bên Việt Nam xuất FOB, nhập CIF nhưng lại phải trả cho các hãng tàu nước ngoài):
- Dịch vụ được thực hiện tại Việt Nam: chịu thuế TNDN tỷ lệ 5%.
- Dịch vụ được thực hiện ngoài Việt Nam: không chịu thuế TNDN.
Các quy định về xác định kê khai theo tháng/quý và mẫu biểu kê khai: Thực hiện theo Công văn 244/TCT-KK ngày 31/01/2023 của Tổng cục Thuế.
3, Ai phải khai, nộp thuế?
Tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư 103/2014/TT-BTC quy định:
“2. Tổ chức được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam, tổ chức đăng ký hoạt động theo pháp luật Việt Nam, tổ chức khác và cá nhân sản xuất kinh doanh: mua dịch vụ, dịch vụ gắn với hàng hóa hoặc trả thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng nhà thầu hoặc hợp đồng nhà thầu phụ; mua hàng hóa theo hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ hoặc theo các điều khoản thương mại quốc tế (Incoterms); thực hiện phân phối hàng hóa, cung cấp dịch vụ thay cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi chung là Bên Việt Nam) bao gồm:…- Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ vận tải biển của hãng vận tải biển nước ngoài; đại lý tại Việt Nam của Hãng giao nhận kho vận, hãng chuyển phát nước ngoài;Người nộp thuế theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 4 Chương I có trách nhiệm khấu trừ số thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp hướng dẫn tại Mục 3 Chương II trước khi thanh toán cho Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài.”
Tại Công văn 244/TCT-KK ngày 31/01/2023, Tổng cục Thuế hướng dẫn:
“Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp Công ty cổ phần Asiatrans VIETNAM (sau đây gọi là Công ty) có hoạt động thu hộ các dịch vụ cho các hãng vận tải nước ngoài thì Công ty khai thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) của hãng vận tải nước ngoài năm 2021 và năm 2022 như sau: […]”
Tại Công văn 4551/TCT-KK ngày 11/10/2024, Tổng cục Thuế hướng dẫn:
“Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp Công ty cổ phần Hàng hải S&A là đại lý của hãng tàu biển Chinaland Shipping PTE.LTD (Sau đây gọi tắt là Đại lý của hãng VTNN), được hãng VTNN ủy quyền kê khai, nộp thuế và làm thủ tục miễn, giảm thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần thay cho hãng VTNN thì việc kê khai, miễn, giảm thuế đối với hãng VTNN được thực hiện như sau:1. Khai thuế đối với hãng VTNNĐại lý của hãng VTNN có trách nhiệm kê khai, nộp thuế và nộp hồ sơ khai thuế cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp Đại lý của hãng VTNN thay cho hãng VTNN theo quy định tại điểm g Khoản 6 Điều 8 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/9/2020 của Chính phủ.”
Tại Công văn 98/CT-TTHT ngày 05/11/2017, Cục Thuế TP.HCM hướng dẫn:
“- Trường hợp Công ty theo trình bày ký hợp đồng đại lý cho hãng tàu nước ngoài là Pan Asia Logistic India pvt. Ltd (quốc tịch Ấn Độ - nhà thầu nước ngoài) làm đại lý tại Việt Nam trong việc cung cấp tất cả các dịch vụ cần thiết trong việc vận chuyển hàng hóa các lô hàng nhập khẩu và xuất khẩu, quản lý container và chịu trách nhiệm về việc thu hộ và thanh toán hộ các khoản phí phát sinh, có trả cho hãng tàu nước ngoài (nhà thầu nước ngoài) các phí sau: cước vận tải quốc tế; phí xếp dỡ (hàng xuất, hàng nhập); phí niêm chì; phí phụ trội hàng nhập. Khi thanh toán tiền cho nhà thầu nước ngoài, Công ty khấu trừ thuế nhà thầu như sau:”
👉 Tóm lại: Đối tượng có trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay xác định theo các trường hợp cụ thể quy định tại Thông tư 103, có thể là bên mua dịch vụ hoặc bên trả thu nhập/thực hiện cung cấp dịch vụ thay (như Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ vận tải biển của hãng vận tải biển nước ngoài, Đại lý của hãng vận tải biển nước ngoài,…).
Ảnh: shipsgo
Tags:
[FCT]
Bộ Tài chính
Cục thuế TP.HCM
hãng tàu biển
Luật Thuế GTGT
Luật Thuế TNDN
NĐ 209/2013
nổi bật
NTNN
Thông tư 103
Thông tư 219
Tổng cục Thuế
tổng hợp