Nghĩa vụ thuế của Văn phòng đại diện là một vấn đề gây tranh cãi do loại đơn vị này không có chức năng kinh doanh nhưng lại là hiện diện của một thương nhân nước ngoài tại một quốc gia. Vừa qua, Tổng cục Thuế đã ban hành công văn hướng dẫn về thuế đối với thu nhập từ lãi tiền gửi ngân hàng của VPĐD.
1, Vướng mắc và cách tiếp cận
Luật Thương mại 2005 quy định Văn phòng đại diện của Thương nhân nước ngoài không được thực hiện hoạt động sinh lợi trực tiếp tại Việt Nam (khoản 1 Điều 18). Bộ Tài chính từng có một số công văn hướng dẫn: VPĐD không tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam thì VPĐD không phải nộp thuế GTGT, thuế TNDN, lệ phí môn bài tại Việt Nam (876/BTC-TCT, 1200/BTC-TCT).
Cũng theo Luật Thương mại, VPĐD được mở tài khoản tại ngân hàng Việt Nam và chỉ được sử dụng tài khoản vào hoạt động của VPĐD (khoản 4 Điều 17) và được giao kết hợp đồng liên quan đến mở tài khoản (khoản 3 Điều 18). Việc gửi tiền tại các tài khoản này dẫn tới phát sinh lãi tiền gửi. Câu hỏi đặt ra là Lãi tiền gửi này sẽ phải nộp thuế TNDN như thế nào?
Luồng ý kiến thứ nhất: Do VPĐD là đơn vị phụ thuộc của Thương nhân nước ngoài, không phải pháp nhân nên tài sản, thu nhập của VPĐD là tài sản, thu nhập của Thương nhân nước ngoài. Nghĩa vụ nộp thuế TNDN thuộc về thương nhân nước ngoài. Trách nhiệm kê khai, nộp thuế thực hiện theo Thông tư 103/2014/TT-BTC về thuế nhà thầu. Công văn 80503/CT-TTHT ngày 24/10/2019 của Cục Thuế TP. Hà Nội tiếp cận theo hướng này.
Luồng ý kiến thứ hai: Lãi tiền gửi là thu nhập từ hoạt động thuộc phạm vi hoạt động được phép của VPĐD. Do đó, VPĐD phải kê khai, nộp thuế TNDN.
2, Ai là người nộp thuế?
Điều 2 Luật Thuế TNDN quy định:
“Điều 2. Người nộp thuế1. Người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật này (sau đây gọi là doanh nghiệp), bao gồm:…b) Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài (sau đây gọi là doanh nghiệp nước ngoài) có cơ sở thường trú hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam;…đ) Tổ chức khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập.2. Doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật này phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp như sau: […]”
Điều 2 Nghị định 218/2013/NĐ-CP quy định:
“Điều 2. Người nộp thuếNgười nộp thuế thực hiện theo quy định tại Điều 2 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và Khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.1. Người nộp thuế theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm:…b) Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài (sau đây gọi là doanh nghiệp nước ngoài) có cơ sở thường trú hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam;…đ) Tổ chức khác ngoài tổ chức quy định tại các Điểm a, b, c, d Khoản này có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập chịu thuế theo quy định tại Điều 3 Nghị định này.”
Theo các quy định trên, Văn phòng đại diện nộp thuế TNDN khi có các điều kiện sau:📌 (1) Là tổ chức📌 (2) Có hoạt đông sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ📌 (3) Có thu nhập chịu thuế TNDN{alertInfo}
Đánh giá cụ thể về các điều kiện trên như sau:
🔎 Về điều kiện (3): Thu nhập từ lãi tiền gửi là thu nhập chịu thuế TNDN theo Điều 3 Luật Thuế TNDN.
🔎 Về điều kiện (1): Pháp luật Việt Nam không quy định khái niệm “tổ chức”. Trong pháp luật thuế, “tổ chức” thường chỉ để phân biệt với cá nhân (không quan trọng vấn đề có tư cách pháp nhân hay không). Người nộp thuế có thể là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân (ví dụ: Chi nhánh trong pháp luật thuế GTGT). Bên cạnh đó, Thông tư 105/2020/TT-BTC về đăng ký thuế cũng quy định văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài tại Việt Nam được gọi là “Tổ chức kinh tế”.
🔎 Về điều kiện (2):
- Theo Luật Thương mại, VPĐD thành lập để “tìm hiểu thị trường và thực hiện một số hoạt động xúc tiến thương mại”, không được thực hiện hoạt động sinh lợi. Theo Điều 3 Luật Thuế TNDN, Thu nhập từ lãi tiền gửi được xem là Thu nhập khác, không phải thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh. => Theo cả 2 luật, sẽ rất khó để cho rằng VPĐD có hoạt động kinh doanh.
- Tuy nhiên, theo khoản 5 Điều 11 Nghị định 218/2013/NĐ-CP, doanh thu từ dịch vụ bao gồm cả lãi tiền gửi.
👉 Tổng hợp lại các đánh giá trên, sẽ chưa thật sự thuyết phục nếu cho rằng Văn phòng đại diện phải nộp thuế TNDN đối với lãi tiền gửi ngân hàng (nhất là ở điều kiện số (2)).
👉 Tuy nhiên, nếu pháp luật thuế TNDN quy định rằng việc nhận lãi tiền gửi là phát sinh doanh thu từ dịch vụ, VPĐD sẽ phải nộp thuế TNDN (theo khoản 5 Điều 11 Nghị định 218/2013/NĐ-CP).
3, Khuyến nghị và đề xuất:
Tại Công văn 3227/TCT-CS ngày 26/7/2024, Tổng cục Thuế hướng dẫn:
“Căn cứ các quy định nêu trên, Tổng cục Thuế thống nhất với đề xuất của Cục Thuế thành phố Hà Nội theo quan điểm 2 nêu tại công văn số 23291/CTHN-TTHT nêu trên, cụ thể: Trường hợp Văn Phòng Đại Diện phát sinh khoản thu nhập từ lãi tiền gửi thuộc khoản thu nhập chịu thuế TNDN thì thực hiện kê khai, nộp thuế TNDN theo hướng dẫn tại Điều 11 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Bộ Tài chính.”
Theo đó, nếu VPDD mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng Việt Nam và được trả lãi tiền gửi, VPDD phải kê khai, nộp thuế TNDN theo tỉ lệ 5% doanh thu. Các ngân hàng Việt Nam không phải kê khai khấu trừ thuế nhà thầu đối với lãi tiền gửi trả VPDD.
Về phía Luật Thuế TNDN, đề xuất sửa quy định về Người nộp thuế không chỉ giới hạn ở tổ chức có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ mà chỉ cần phát sinh thu nhập chịu thuế TNDN là đã phải nộp thuế TNDN.
Tags:
[CIT]
Bộ Tài chính
Cục thuế Hà Nội
Luật Thuế TNDN
Luật Thương mại
NĐ 218/2013
thuế chuyên sâu
TNDN
Tổng cục Thuế
văn phòng đại diện