Xử lý hóa đơn bỏ sót: Trước sau bất nhất

Thực tế hoạt động của doanh nghiệp cho thấy luôn xảy ra tình huống hóa đơn đầu vào không được hạch toán, kê khai ngay tại kỳ phát sinh. Tuy nhiên, trong thời gian qua, rất nhiều cơ quan thuế yêu cầu các doanh nghiệp giải trình chênh lệch thuế GTGT đầu vào và kê khai bổ sung hóa đơn đầu vào vào đúng kỳ phát sinh.

Luật không đổi nhưng hướng dẫn lại đổi

Luật Quản lý thuế 2006 quy định “Trước khi cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế, người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp có sai sót gây ảnh hưởng đến số thuế phải nộp thì được khai bổ sung hồ sơ khai thuế(khoản 1 Điều 34).

Luật Quản lý thuế 2019 quy định “Người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp cho cơ quan thuế có sai, sót thì được khai bổ sung hồ sơ khai thuế trong thời hạn 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế có sai, sót nhưng trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định thanh tra, kiểm tra” (khoản 1 Điều 47).

Như vậy, mặc dù có thay đổi cách diễn đạt và bổ sung về thời hạn, quy định của Luật Quản lý thuế 2006 và 2019 đều thống nhất là nếu hồ sơ khai thuế có sai, sót thì người nộp thuế (NNT) được khai bổ sung hồ sơ khai thuế.

Luật Thuế GTGT 2008 (sửa đổi năm 2013) quy định không đổi đến hiện tại là: “Thuế giá trị gia tăng đầu vào phát sinh trong tháng nào được kê khai, khấu trừ khi xác định số thuế phải nộp của tháng đó. Trường hợp cơ sở kinh doanh phát hiện số thuế giá trị gia tăng đầu vào khi kê khai, khấu trừ bị sai sót thì được kê khai, khấu trừ bổ sung trước khi cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế” (điểm đ khoản 1 Điều 12).

Các quy định trên cho thấy luật quy định nhất quán, không thay đổi về xử lý sai sót thuế GTGT từ năm 2014 đến nay. Vậy nhưng, cơ quan thuế lại thay đổi hướng dẫn xử lý hóa đơn bỏ sót khi Luật Quản lý thuế 2019 có hiệu lực.

Cụ thể, năm 2015, Tổng cục Thuế ban hành Công văn 4943/TCT-KK hướng dẫn: “Đối với người mua: thời điểm phát hiện hóa đơn bỏ sót kỳ nào thì kê khai, khấu trừ bổ sung tại kỳ tính thuế phát hiện hóa đơn bỏ sót nhưng phải trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế.”[1] Hướng dẫn này đã được các doanh nghiệp áp dụng thống nhất từ năm 2015, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp không phải kê khai bổ sung mỗi lần phát hiện sót hóa đơn.

Thậm chí, Tòa án Nhân dân TP.HCM còn có Bản án phúc thẩm số 273/2021/HC-PT ngày 26/03/2021 nhận định rằng việc nguyên đơn (một Công ty TNHH) tiến hành kê khai, điều chỉnh bổ sung theo nguyên tắc các hóa đơn đầu vào phát sinh của kỳ nào thì kê khai vào đúng kỳ đó là không đúng với quy định. Theo đó, Tòa này bác bỏ đơn khởi kiện của nguyên đơn, công nhận quyết định xử phạt hành chính của cơ quan thuế (phạt hành vi kê khai sai và áp dụng tăng nặng do vi phạm nhiều lần).

Việc khấu trừ bổ sung hóa đơn bỏ sót theo hướng trên tưởng như đã thực hiện ổn định, không phát sinh vướng mắc thì cơ quan thuế lại thay đổi quan điểm. Trong thời gian gần đây, sau khi Luật Quản lý thuế 2019 có hiệu lực, nhiều cục thuế đã ban hành các công văn hướng dẫn doanh nghiệp phải thực hiện khai bổ sung hồ sơ của tháng phát sinh hóa đơn bị sót – không được kê khai vào tháng phát hiện[2]. Điều này cho thấy việc diễn giải quy định tại luật của các cơ quan nhà nước khá tùy hứng, khiến doanh nghiệp không thể dự đoán được, tạo rủi ro lớn bị phạt vi phạm hành chính.

Bản chất là thay đổi cách giải thích Luật Thuế GTGT

Luật Thuế GTGT (sửa đổi năm 2013) quy định khấu trừ thuế GTGT đầu vào vào tháng phát sinh. Tuy nhiên, Luật này cũng quy định “được kê khai, khấu trừ bổ sung” khi phát hiện số thuế giá trị gia tăng đầu vào khi kê khai, khấu trừ bị sai sót. Một số vấn đề cần rút ra từ quy định này như sau:

Thứ nhất, Luật Thuế GTGT không quy định phải khai bổ sung (điều chỉnh) hồ sơ khai thuế. Luật chỉ quy định về xử lý thuế GTGT bị sai sót. Cụm từ “kê khai, khấu trừ bổ sung” trong trường hợp của hóa đơn đầu vào bị sót được hiểu là được khấu trừ thuế GTGT đầu vào phát sinh mà chưa khấu trừ. Luật cũng không quy định cụ thể kỳ kê khai, khấu trừ bổ sung nên việc bổ sung vào kỳ phát hiện không vi phạm quy định của Luật. Theo đó, hướng dẫn tại Công văn 4943/TCT-KK năm 2015 của Tổng cục Thuế phù hợp với Luật Thuế GTGT.

Thứ hai, quy định kê khai vào tháng phát sinh là quy định chung. Trường hợp có sai sót đã được Luật quy định riêng và áp dụng quy định này, không cần áp dụng nguyên tắc chung (kê khai vào tháng phát sinh). Vậy nên, hướng dẫn tại Công văn 4943/TCT-KK không xung đột với nguyên tắc chung này.

Thứ ba, do trường hợp sót hóa đơn được khấu trừ bổ sung vào kỳ phát hiện, NNT không cần điều chỉnh số liệu đã kê khai tại kỳ mà hóa đơn được lập. Hay nói cách khác, hồ sơ khai thuế của kỳ gốc này không có sai sót. Bên cạnh đó, Luật Thuế GTGT quy định về số thuế GTGT bị sót, không đồng nghĩa với việc hồ sơ khai thuế bị sót. Theo đó, không cần áp dụng Điều 34 Luật Quản lý thuế 2006 cũng như Điều 47 Luật Quản lý thuế 2019 về khai bổ sung hồ sơ khai thuế[3]. Cũng có nghĩa là, việc cơ quan thuế căn cứ vào các quy định về khai bổ sung để hướng dẫn kê khai hóa đơn bỏ sót vào kỳ phát sinh là chưa phù hợp (mâu thuẫn với 2 điểm vừa phân tích).

Tổng hợp các nội dung trên, có thể thấy việc hướng dẫn áp dụng Điều 47 Luật Quản lý thuế 2019 cho trường hợp hóa đơn bỏ sót về bản chất là giải thích Luật Thuế GTGT theo cách khác đi[4], tạo ra tiền lệ xấu trong việc hướng dẫn thực hiện Luật của cơ quan nhà nước. Việc tùy ý diễn giải Luật cũng vi phạm quy định về thẩm quyền giải thích Luật (phải do Ủy ban thường vụ quốc hội thực hiện).

Ngoài ra, Luật Thuế GTGT quy định 2 điều kiện cơ bản để thuế GTGT được khấu trừ bao gồm: 1) Có hóa đơn GTGT/chứng từ nộp thuế GTGT, 2) Có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt với đầu vào từ 20 triệu đồng trở lên. Với hóa đơn bị sót có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên, sẽ chưa có chứng từ thanh toán theo quy định tại kỳ hóa đơn được lập, do đó kê khai bổ sung vào kỳ này là trái với quy định về điều kiện khấu trừ.

Việc hướng dẫn áp dụng Điều 47 Luật Quản lý thuế 2019 cho trường hợp hóa đơn bỏ sót về bản chất là giải thích Luật Thuế GTGT theo cách khác đi{alertWarning}


Không rõ mục đích quản lý và tăng thêm chi phí tuân thủ

Xét tổng thể, việc kê khai vào kỳ phát sinh hay kỳ phát hiện không ảnh hưởng đến tổng thể số thuế GTGT được khấu trừ và số thuế GTGT phải nộp/được hoàn. Thậm chí, nếu kê khai vào kỳ phát sinh thì NNT còn phải nộp tiền chậm nộp thuế[5] ít hơn (do thời gian tính chậm nộp ngắn hơn).

Trong khi đó, nếu phải khai bổ sung hồ sơ khai thuế của kỳ phát sinh thì sẽ có rất nhiều bất cập phát sinh: 1) Số dư các tài khoản kế toán theo dõi thuế GTGT tại tháng hóa đơn được lập sẽ không khớp với số liệu khai thuế (sau điều chỉnh), gây khó khăn cho việc theo dõi, đối chiếu; 2) Số dư các tài khoản kế toán theo dõi thuế GTGT của tháng phát hiện bị lẫn số thuế khấu trừ bổ sung, khiến cho các tính toán thuế tự động phải quay lại xử lý thủ công (ví dụ như tính phân bổ thuế GTGT theo tỉ lệ được khấu trừ/không được khấu trừ); 3) Có thể phải khai bổ sung để điều chỉnh nhiều lần.

Bên cạnh đó, yêu cầu bắt buộc phải kê khai vào kỳ phát sinh cũng chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn. Tại các doanh nghiệp này, hồ sơ mua sắm thường phức tạp hơn, có thể phải rà soát/bổ sung nhiều lần trước khi thanh toán, do đó thường không thể thanh toán ngay trong tháng phát sinh nên chưa đủ điều kiện khấu trừ tại tháng phát sinh.

Tóm lại, có thể thấy việc ban hành nhiều công văn hướng dẫn xử lý hóa đơn bỏ sót trong thời gian qua đã tạo thêm thủ tục không cần thiết, gây khó khăn cho công tác kế toán và thuế của doanh nghiệp. Việc thiếu nhất quán trong hướng dẫn của cơ quan thuế cũng gián tiếp cho thấy quy định của luật không được “thượng tôn”, phụ thuộc vào cách hiểu luật của cơ quan thuế. Điều này cũng khiến doanh nghiệp cảm thấy thiếu an tâm khi thực hiện theo công văn, lo ngại liệu một phán quyết của tòa án tương tự Bản án 273 nêu trên có thể được đưa ra khiến doanh nghiệp lại bị xử phạt vi phạm.

Không thể phủ nhận sự hữu ích của các công văn trong hỗ trợ NNT thực hiện đúng quy định thuế. Tuy nhiên, trong trường hợp này, Tổng cục Thuế cần xem xét lại một cách kĩ lưỡng, cẩn trọng cơ sở pháp lý cho việc ban hành Công văn 4943/TCT-KK năm 2015, từ đó hướng dẫn thống nhất việc tiếp tục áp dụng công văn này để tạo thuận lợi cho hoạt động của NNT.


--
[1] Trước đó, Tổng cục Thuế cũng có Công văn số 1818/TCT-KK ngày 19/05/2014 hướng dẫn: “Đối với các hóa đơn phát sinh kể từ 01/01/2014 thì trường hợp cơ sở kinh doanh phát hiện hóa đơn kê khai khấu trừ bị bỏ sót chưa kê khai thì được kê khai khấu trừ bổ sung vào kỳ kê khai gần nhất của thời điểm phát hiện sai sót”.

[2] Ví dụ như Công văn 2298/TCT-KK ngày 30/5/2024 của Tổng cục Thuế, Công văn 4906/CT-KK ngày 16/8/2023 của Cục Thuế tỉnh Nghệ An, Công văn 7445/CTQNA-KK ngày 4/10/2023 của Cục Thuế tỉnh Quảng Nam, Công văn 2397/CTBNI-KKKTT ngày 27/06/2023 của Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh

[3] Tại Công văn 4943, Tổng cục Thuế cũng không trích dẫn các quy định về khai bổ sung hồ sơ khai thuế để hướng dẫn về hóa đơn bị bỏ sót.

[4] Từ việc không quy định phải khấu trừ bổ sung vào kỳ phát sinh thành bắt buộc phải điều chỉnh kỳ phát sinh.

[5] Phát sinh trong trường hợp như đồng thời kê khai tăng cả đầu ra và đầu vào.


Mời chúng tôi một ly cà phê nếu bài viết hữu ích:



Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

Bài viết chỉ chứa đựng thông tin chung và nhằm mục đích tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn cho trường hợp cụ thể của người đọc. Vui lòng cân nhắc kĩ càng trước khi sử dụng để đưa ra các quyết định.