Kê khai thuế và lập hoá đơn cho hoạt động bán vàng, khuyến mại vàng

Vàng vốn là một hàng hoá đặc biệt và lại có phương pháp kê khai thuế đặc biệt.

1, Vàng có chịu thuế GTGT không?

Tại khoản 22 Điều 5 Luật Thuế GTGT quy định:

“22. Vàng nhập khẩu dạng thỏi, miếng chưa được chế tác thành sản phẩm mỹ nghệ, đồ trang sức hay sản phẩm khác.”

👉 Quy định này có thể hiểu là vàng ở khâu nhập khẩu và vàng có nguồn gốc nhập khẩu chưa qua chế tác mà bán lại luôn thì không chịu thuế GTGT.

Tại khoản 22 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định:

“22. Vàng nhập khẩu dạng thỏi, miếng và các loại vàng chưa được chế tác thành sản phẩm mỹ nghệ, đồ trang sức hay sản phẩm khác.
Vàng dạng thỏi, miếng và các loại vàng chưa chế tác được xác định theo quy định của pháp luật về quản lý, kinh doanh vàng.”

👉 Quy định này có thể hiểu là, bên cạnh vàng nhập khẩu/có nguồn gốc nhập khẩu thì các loại vàng khác chưa được chế tác (không cần xem xét đến yếu tố nhập khẩu) cũng không chịu thuế GTGT.

Tuy nhiên, cũng tại khoản 1 Điều 13 Thông tư 219 quy định:

“Điều 13. Phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng
1. Số thuế GTGT phải nộp theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT bằng giá trị gia tăng nhân với thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% áp dụng đối với hoạt động mua, bán, chế tác vàng bạc, đá quý.
Giá trị gia tăng của vàng, bạc, đá quý được xác định bằng giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý bán ra trừ (-) giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý mua vào tương ứng.”

👉 Như vậy, được hiểu là việc bán vàng chưa qua chế tác (không phân biệt có nhập khẩu hay không) đều chịu chung mức thuế 10%. Sau đó, theo Thông tư Thông tư 119/2014/TT-BTC, mức 10% bị bỏ đi.

🚨 Câu hỏi đặt ra là: Liệu doanh nghiệp trong nước bán vàng chưa được chế tác (không phải ở khâu nhập khẩu) thì có chịu thuế GTGT?

Trên cơ sở ưu tiên văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn, chúng tôi cho rằng chỉ có vàng nhập khẩu theo Luật Thuế GTGT mới không chịu thuế GTGT. Và nên hiểu vàng nhập khẩu theo nghĩa hẹp là vàng ở khâu nhập khẩu (không bao gồm vàng có nguồn gốc nhập khẩu).

Tóm lại, thuế suất áp dụng với vàng như sau:
🚩 Ở khâu nhập khẩu:
  + Vàng chưa được chế tác: Không chịu thuế
  + Vàng đã được chế tác: Chịu thuế 10%
🚩 Không phải ở khâu nhập khẩu (bao gồm cả vàng thỏi/miếng chưa được chế tác):
  + Bán trong nước: Chịu thuế 10%
  + Xuất khẩu: Chịu thuế 0% (Theo công văn 3586/TCT-CS của TCT năm 2014).{alertInfo}

2, Khai thuế như thế nào?

Tại khoản 1 Điều 11 Luật Thuế GTGT 2008 (đã được sửa đổi, bổ sung):

“Điều 11. Phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng
1. Số thuế giá trị gia tăng phải nộp theo phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng bằng giá trị gia tăng nhân với thuế suất thuế giá trị gia tăng áp dụng đối với hoạt động mua bán, chế tác vàng, bạc, đá quý.
Giá trị gia tăng của vàng, bạc, đá quý được xác định bằng giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý bán ra trừ giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý mua vào tương ứng.”

Tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định:

“2. Hồ sơ khai thuế tương ứng với từng loại thuế, người nộp thuế, phù hợp với phương pháp tính thuế, kỳ tính thuế (tháng, quý, năm, từng lần phát sinh hoặc quyết toán). Trường hợp cùng một loại thuế mà người nộp thuế có nhiều hoạt động kinh doanh thì thực hiện khai chung trên một hồ sơ khai thuế, trừ các trường hợp sau:
...b) Người nộp thuế có nhiều hoạt động kinh doanh trong đó có hoạt động mua bán, chế tác vàng, bạc, đá quý thì phải lập hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng riêng cho hoạt động mua bán, chế tác vàng, bạc, đá quý.”

Tại điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định:

“1. Các loại thuế, khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước do cơ quan quản lý thuế quản lý thu thuộc loại khai theo tháng, bao gồm:
a) Thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân. Trường hợp người nộp thuế đáp ứng các tiêu chí theo quy định tại Điều 9 Nghị định này thì được lựa chọn khai theo quý.”

Tại Phụ lục I Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định:

2.2. Hồ sơ khai thuế theo tháng/quý đối với phương pháp trực tiếp trên giá trị gia tăng


Điểm a khoản 1 Điều 8

03/GTGT

Tờ khai thuế giá trị gia tăng (áp dụng đối với người nộp thuế có hoạt động mua bán, chế tác vàng bạc, đá quý)




Tại khoản 4 Điều 12 Thông tư số 219/2013/TT-BTC quy định:

“4. Các trường hợp khác:
a) Trường hợp cơ sở kinh doanh có hoạt động mua, bán, chế tác vàng, bạc, đá quý thì cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng hoạt động này để nộp thuế theo phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng hướng dẫn tại Điều 13 Thông tư này.”

👉 Như vậy, hoạt động mua, bán vàng phải hạch toán riêng và áp dụng phương pháp tính trực tiếp trên GTGT. Thuế GTGT đối với mua, bán vàng được kê khai theo tháng và theo biểu 03/GTGT (không kê khai vào biểu 01/GTGT).

3, Sử dụng loại hóa đơn nào?

3.1, Bán vàng của các đơn vị kinh doanh vàng

Tại khoản 2 Điều 8 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định:

“2. Hóa đơn bán hàng là hóa đơn dành cho các tổ chức, cá nhân như sau:
a) Tổ chức, cá nhân khai, tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp sử dụng cho các hoạt động:
- Bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ trong nội địa;
…- Xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu;
- Xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài.”

👉 Do hoạt động bán vàng áp dụng PP trực tiếp nên phải sử dụng hóa đơn bán hàng

3.2, Khuyến mại bằng vàng

Tại Công văn 97740/CT-TTHT năm 2020, Cục Thuế Hà Nội hướng dẫn:

"Căn cứ các quy định trên, trường hợp Công ty TNHH Cibes Lift Việt Nam nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ có mua các sản phẩm vàng đã qua chế tác từ các cơ sở kinh doanh vàng bạc để khuyến mại cho khách hàng nhưng không đăng ký theo quy định của luật thương mại thì Công ty phải lập hóa đơn GTGT, trên hóa đơn ghi đầy đủ các chỉ tiêu và tính thuế GTGT như hàng hóa, dịch vụ dùng để biếu, tặng... khách hàng theo quy định tại Khoản 9 Điều 3 Thông tư số 26/2015/TT-BTC với thuế suất thuế GTGT đối với vàng đã qua chế tác là 10%."

Tại Công văn 93851/CT-TTHT năm 2019, Cục Thuế Hà Nội hướng dẫn:

"- Trường hợp Công ty nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, không có hoạt động kinh doanh vàng, có mua các sản phẩm vàng đã qua chế tác (đồng xu vàng có khắc logo của công ty) từ các tổ chức có hoạt động mua, bán, chế tác vàng, bạc, đá quý để tặng cho khách hàng và nhân viên thì Công ty phải lập hóa đơn GTGT, trên hóa đơn ghi đầy đủ các chỉ tiêu và tính thuế GTGT như hóa đơn xuất bán hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng."

👉 Như vậy, nếu cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ mua vàng để khuyến mại cho khách hàng, khi khuyến mại phải lập hoá đơn GTGT, ghi đầy đủ các chỉ tiêu (bao gồm thuế suất và tiền thuế). Lưu ý rằng khi việc khuyến mại bằng vàng thực hiện theo đúng quy định pháp luật về khuyến mại thì được xác định giá tính thuế bằng 0.

3.3, Bán lại vàng mua để khuyến mại nhưng không dùng hết

Tại Công văn 837/TCT-CS năm 2015, Tổng cục Thuế hướng dẫn:

"Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về việc sử dụng vàng thì Công ty không được sử dụng vàng miếng mà chuyển qua sử dụng vàng nhẫn. Công ty phải xuất bán cho Ngân hàng để mua lại vàng nhẫn phục vụ cho hoạt động xúc tiến thương mại của Công ty.
Căn cứ quy định và theo trình bày của Cục Thuế thành phố Cần Thơ, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau: hoạt động bán vàng miếng của Công ty cổ phần Dược Hậu Giang là đột xuất, không phải hoạt động kinh doanh thường xuyên, Công ty cổ phần Dược Hậu Giang bán vàng miếng cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp phép thì Công ty sử dụng hóa đơn GTGT cho hoạt động bán vàng miếng, trên hóa đơn GTGT dòng thuế suất không ghi và gạch chéo. Công ty cổ phần Dược Hậu Giang phải nộp thuế GTGT theo phương pháp tính trực tiếp đối với doanh thu bán vàng miếng nêu trên."

Tại Công văn 72015/CT-TTHT năm 2018, Cục Thuế TP. Hà Nội hướng dẫn:

"Căn cứ các quy định trên, trường hợp Công ty nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, Công ty có mua quà tặng là vàng (mề đai, đồng xu tính theo đơn vị chỉ/cái) của Công ty vàng bạc SJC để trao thưởng cho khách hàng trúng thưởng chương trình khuyến mại của Công ty. Sau khi kết thúc chương trình khuyến mại, các sản phẩm là vàng mua trên không dùng hết, Công ty bán lại cho Công ty vàng bạc SJC thì hoạt động phát sinh bán vàng của Công ty là đột xuất, không phải hoạt động kinh doanh thường xuyên, Công ty sử dụng hóa đơn GTGT cho hoạt động bán vàng này, trên hóa đơn GTGT dòng thuế suất không ghi và gạch chéo. Đồng thời Công ty phải nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp đối với doanh thu bán vàng nêu trên."

👉 Như vậy, khi mua vàng để khuyến mại nhưng dùng không hết và bán lại cho công ty kinh doanh vàng bạc thì lập hoá đơn GTGT. Tuy nhiên, thuế suất không ghi và gạch chéo.


Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

Bài viết chỉ chứa đựng thông tin chung và nhằm mục đích tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn cho trường hợp cụ thể của người đọc. Vui lòng cân nhắc kĩ càng trước khi sử dụng để đưa ra các quyết định.