Sau Công văn 8042/BTC-TCHQ năm 2022, mới đây, Bộ Tài chính tiếp tục ban hành Công văn 13870/BTC-TCHQ để hướng dẫn thêm về hoá đơn đối với hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ. Có gì vướng mắc, bất cập mà buộc Bộ Tài chính phải hướng dẫn riêng về hoạt động này?
1, Vì sao BTC phải hướng dẫn?
Theo quy định về hồ sơ hải quan đối với xuất, nhập khẩu tại chỗ, “trường hợp hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu phi thuế quan thì người khai hải quan sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng hoặc hóa đơn bán hàng” (theo khoản 3 Điều 86 Thông tư số 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 58 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC).
Tuy nhiên, việc thực hiện quy định gặp vướng mắc với các quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP ở cả hai chiều như sau:
a) Chiều từ nội địa vào khu phi thuế quan:
Theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP (“NĐ 123”), DN nội địa nộp thuế GTGT theo PP khấu trừ chỉ được lập hóa đơn GTGT “sau khi làm xong thủ tục cho hàng hóa xuất khẩu”. Như vậy, khi làm thủ tục hải quan thì DN nội địa chưa được lập hóa đơn GTGT để đưa vào hồ sơ hải quan như quy định.
b) Chiều từ khu phi quan vào nội địa:
Theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP (“NĐ 123”), thời điểm lập hóa đơn đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua (khoản 1 Điều 9). Trường hợp pháp luật không có quy định khác hoặc các bên không có thỏa thuận khác, quyền sở hữu được chuyển từ bên bán sang bên mua kể từ thời điểm hàng hóa được chuyển giao (Điều 62 Luật Thương mại 2005). Theo đó, khi xuất hàng để đưa đi làm thủ tục hải quan, hàng hóa chưa được chuyển giao nên DN chế xuất/trong khu phi thuế quan chưa được lập hóa đơn. Như vậy, các DN này cũng chưa thể có hóa đơn trong hồ sơ hải quan như quy định.
2, Bộ Tài chính hướng dẫn ra sao?
Liên quan đến vướng mắc trên, Bộ Tài chính có Công văn 8042/BTC-TCHQ năm 2022 và Công văn 13870/BTC-TCHQ năm 2023 hướng dẫn:
Như vậy, ở cả hai chiều, giải pháp đối với thủ tục xuất khẩu của Bộ Tài chính đều là sử dụng “Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ”.
3, Liệu đã phù hợp với pháp luật?
Theo quy định về hồ sơ hải quan như đã nêu trên, loại hóa đơn được dùng chỉ bao gồm “hóa đơn giá trị gia tăng hoặc hóa đơn bán hàng”.
Trong khi đó, theo Điều 8 NĐ 123 quy định về loại hóa đơn, “phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ” được quy định tại khoản 6 thuộc “Các chứng từ được in, phát hành, sử dụng và quản lý như hóa đơn” chứ không phải là hóa đơn GTGT (tại khoản 1) hoặc hóa đơn bán hàng (tại khoản 2).
Do đó, có thể thấy hướng dẫn của BTC về sử dụng “phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ” chỉ là một giải pháp tình thế và chưa thực sự phù hợp với quy định tại Thông tư 39/2018/TT-BTC (TT 39).
Dù rằng Bộ Tài chính chỉ điều chỉnh lại hướng dẫn của chính mình (mà không phải hướng dẫn trái với văn bản cao hơn), việc sửa một quy định chưa hợp lý tại văn bản quy phạm pháp luật bằng một công văn là chưa đảm bảo tính pháp lý.
Có ý kiến cho rằng NĐ 123 có giá trị pháp lý cao hơn nên Bộ Tài chính hướng dẫn phù hợp với văn bản này mà chấp nhận trái với thông tư là đúng với nguyên tắc áp dụng pháp luật. Tuy nhiên, tại Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật chỉ quy định xử lý cho trường hợp "có quy định khác nhau về cùng một vấn đề". Trong khi đó, NĐ 123 quy định về hoá đơn còn TT 39 quy định về thủ tục hải quan. Vì vậy, không thể xem đây là 2 văn bản quy định về cùng một vấn đề.
Bất cập ở đây phải là chưa đảm bảo tính khả thi theo khoản 4 Điều 5 Luật Ban hành VBQPPL. Cụ thể là yêu cầu phải có hoá đơn GTGT hoặc bán hàng tại TT 39 là không thể thực hiện được nếu áp dụng quy định về hoá đơn tại NĐ 123 trong một số trường hợp.
Kết lại, chúng tôi cho rằng việc BTC ban hành các Công văn 8042 và 13870 là chưa đủ. Vấn đề là cần phải sớm sửa TT 39 cho phù hợp với quy định tại NĐ 123 của Chính phủ.
Ảnh: jcomp @ Freepik
Tags:
[Invoice]
Bộ Tài chính
hoá đơn
hoá đơn điện tử
khu phi thuế quan
Nghị định 123
nhập khẩu
phân tích
thuế chuyên sâu
xuất khẩu