Rút ra được điều gì về kê khai thuế từ Công văn số 5051/TCT-KK?

Ngày 10/11/2023, Tổng cục Thuế ban hành Công văn 5051/TCT-KK trả lời phản ánh kiến nghị. Nội dung phản ánh, kiến nghị và nội dung Công văn 5051/TCT-KK có rất nhiều vấn đề đáng bàn.


1, Quy định kê khai số thuế GTGT còn được khấu trừ có đúng Luật không?


Vấn đề được phản ánh, kiến nghị tới Tổng cục Thuế là: Điều 47 Luật Quản lý thuế quy định khi khai bổ sung phải khai vào kỳ tính thuế có sai, sót và không giao Chính phủ quy định chi tiết. Vậy quy định về “Trường hợp khai bổ sung chỉ làm tăng hoặc giảm số thuế giá trị gia tăng còn được khấu trừ chuyển kỳ sau thì phải kê khai vào kỳ tính thuế hiện tại” tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP (điểm b khoản 4 Điều 7) có phù hợp với Luật không và có đúng thẩm quyền không?

1.1, Về vấn đề thẩm quyền

Sở dĩ đặt vấn đề về thẩm quyền là bởi vì tại khoản 1 Điều 11 Luật Ban hành VBQPPL 2015 quy định: “Văn bản quy định chi tiết chỉ được quy định nội dung được giao […]”. Do đó, nếu tại Điều 47 không giao Chính phủ quy định chi tiết thì khoản 4 Điều 7 Nghị định 126/2020/NĐ-CP nêu trên quy định chi tiết về khai bổ sung sẽ có thể trái luật và không có hiệu lực pháp lý.

Tại Công văn 5051/TCT-KK trả lời về vấn đề này như sau:

“Đồng thời, quy định này hướng dẫn chi tiết khoản 8 Điều 43 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 về hồ sơ khai thuế (bao gồm hồ sơ khai thuế lần đầu và hồ sơ khai bổ sung). Do vậy hướng dẫn về khai bổ sung hồ sơ khai thuế tại điểm b khoản 4 Điều 7 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP là đúng thẩm quyền được giao tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14.”

Như vậy, mặc dù tại Điều 47 không giao Chính phủ quy định chi tiết, khoản 8 Điều 43 của Luật Quản lý thuế lại có nội dung giao: “8. Chính phủ quy định chi tiết hồ sơ khai thuế quy định tại Điều này; […]”. Trên cơ sở đó, TCT khẳng định quy định tại điểm b khoản 4 Điều 7 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ là đúng thẩm quyền được giao. Chúng tôi cho rằng quan điểm này là hợp lý.

1.2, Về vấn đề đúng luật

Công văn 5051/TCT-KK không trả lời thẳng vào vấn đề này. Tuy nhiên, cho rằng Tổng cục Thuế đã trả lời gián tiếp vấn đề này thông qua vấn đề thẩm quyền.

Cụ thể, điểm b khoản 4 Điều 7 quy định về hồ sơ khai bổ sung, không phải quy định chi tiết về khai bổ sung. Do đó, việc khai bổ sung vẫn thực hiện theo Điều 47, tức là khai bổ sung hồ sơ kỳ tính thuế có sai, sót. Đồng thời, theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 7 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, NNT phải thực hiện thêm việc kê khai cả vào kỳ tính thuế hiện tại (sau khi đã khai bổ sung kỳ gốc có sai, sót) - chứ không phải được phép chỉ kê khai vào kỳ hiện tại.

Trên cơ sở đó, có thể thấy không có vấn đề trái luật ở đây. Có chăng chỉ là cách diễn đạt tại Nghị định còn chưa rõ ràng, dễ dẫn đến hiểu nhầm.

Cũng cần lưu ý rằng, ngay từ đầu khoản 4 Điều 7 Nghị định 126/2020/NĐ-CP có quy định việc thực hiện theo mẫu của Bộ Tài chính:

“4. Người nộp thuế được nộp hồ sơ khai bổ sung cho từng hồ sơ khai thuế có sai sót theo quy định tại Điều 47 Luật Quản lý thuế và theo mẫu quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.”

Mẫu của Bộ Tài chính hay tờ khai 01/GTGT trong trường hợp này đã quy định có chỉ tiêu [37]-Điều chỉnh giảm [38]-Điều chỉnh tăng, do đó phải thực hiện kê khai điều chỉnh thuế GTGT còn được khấu trừ của các kỳ trước khi phát sinh.

2, Còn rút ra được gì từ Công văn 5051/TCT-KK?


Thứ nhất, tại Công văn 5051/TCT-KK còn có nội dung:

“Quy định tại điểm b khoản 4 Điều 7 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP nêu trên được giữ nguyên như quy định tại điểm c.4, c.5 khoản 5 Điều 10 Thông tư số 156/2013/TT-BTC. Kể từ thời điểm Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính có hiệu lực thì quy định này không phát sinh vướng mắc, tạo thuận lợi cho người nộp thuế khi khai thuế.”

Như vậy, có thể ngầm hiểu rằng quy định tại điểm b khoản 4 Điều 7 Nghị định 126/2020/NĐ-CP là không mới. NNT có tham khảo thêm các ví dụ cụ thể tại điểm c.4, c.5 khoản 5 Điều 10 Thông tư số 156/2013/TT-BTC để thực hiện kê khai.

Thứ hai, qua công văn này cũng thấy rằng việc khai bổ sung kỳ tính thuế có sai, sót theo Điều 47 Luật Quản lý thuế 2019 là bắt buộc cho mọi trường hợp có sai, sót – kể cả với hóa đơn đầu vào bị bỏ sót. Không có ngoại lệ áp dụng bằng các văn bản dưới luật, cho dù đó là Nghị định của Chính phủ. Vì vậy, doanh nghiệp cần tăng cường rà soát hóa đơn đầu vào trong kỳ để tránh tình huống bỏ sót, bỏ quên dẫn tới phải khai bổ sung.


Ảnh: wayhomestudio @ Freepik

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

Bài viết chỉ chứa đựng thông tin chung và nhằm mục đích tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn cho trường hợp cụ thể của người đọc. Vui lòng cân nhắc kĩ càng trước khi sử dụng để đưa ra các quyết định.