Lập sai thời điểm nhiều hoá đơn thì có bị phạt vi phạm hành chính nhiều lần?

Câu hỏi:

Do hàng xuất kho muộn và cũng do sơ suất của kế toán, công ty tôi bỏ quên không xuất khoảng 50 hoá đơn của một ngày. Một tháng sau đó, chúng tôi phát hiện ra và lập bù hoá đơn. Theo quy định, chúng tôi biết rằng đây là hành vi lập hoá đơn sai thời điểm. Tuy nhiên, chúng tôi băn khoăn không biết sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính 50 lần cho 50 hoá đơn hay chỉ bị xử phạt một lần.


Trả lời:

1, Vi phạm hành chính nhiều lần thì bị phạt như thế nào?

Tại điểm d khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Luật năm 2020) quy định:

"d) Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định.
Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần.
Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó.
Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng;"

👉 Như vậy, nếu hành vi VPHC nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng thì sẽ không bị xử phạt về từng hành vi VPHC. Theo đó, trường hợp việc lập nhiều hoá đơn sai thời điểm bị xem là tình tiết tăng nặng thì sẽ không bị xử phạt đối với việc lập muộn từng hoá đơn - tức tiền phạt không bị nhân lên theo số hoá đơn.

Tại khoản 6 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Luật năm 2020) quy định:

"6. Vi phạm hành chính nhiều lần là trường hợp cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính mà trước đó đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính này nhưng chưa bị xử lý và chưa hết thời hiệu xử lý."

👉 Mỗi lần một lập hoá đơn sai thời điểm bị xem là một hành vi VPHC nên lập sai thời điểm nhiều hoá đơn sẽ bị xem là VPHC nhiều lần theo khoản 6 Điều 2 Luật Xử lý VPHC nêu trên.

2, Lập nhiều hoá đơn sai thời điểm thì có phải là tình tiết tăng nặng?

2.1, Tại khoản 3 Điều 5 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định:

"3. Tổ chức, cá nhân thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ các trường hợp sau:
a) Trường hợp cùng một thời điểm người nộp thuế khai sai một hoặc nhiều chỉ tiêu trên các hồ sơ thuế của cùng một sắc thuế thì hành vi khai sai thuộc trường hợp xử phạt về thủ tục thuế chỉ bị xử phạt về một hành vi khai sai chỉ tiêu trên hồ sơ thuế có khung phạt tiền cao nhất trong số các hành vi đã thực hiện theo quy định tại Nghị định này và áp dụng tình tiết tăng nặng vi phạm hành chính nhiều lần;
b) Trường hợp cùng một thời điểm người nộp thuế chậm nộp nhiều hồ sơ khai thuế của nhiều kỳ tính thuế nhưng cùng một sắc thuế thì chỉ bị xử phạt về một hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế có khung phạt tiền cao nhất trong số các hành vi đã thực hiện theo quy định tại Nghị định này và áp dụng tình tiết tăng nặng vi phạm hành chính nhiều lần.
Trường hợp trong số hồ sơ khai thuế chậm nộp có hồ sơ khai thuế chậm nộp thuộc trường hợp trốn thuế thì tách riêng để xử phạt về hành vi trốn thuế;
c) Trường hợp cùng một thời điểm người nộp thuế chậm nộp nhiều thông báo, báo cáo cùng loại về hóa đơn thì người nộp thuế bị xử phạt về một hành vi chậm nộp thông báo, báo cáo về hóa đơn có khung phạt tiền cao nhất trong số các hành vi đã thực hiện quy định tại Nghị định này và áp dụng tình tiết tăng nặng vi phạm hành chính nhiều lần;
d) Hành vi vi phạm về sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn thuộc trường hợp bị xử phạt theo Điều 16, Điều 17 Nghị định này thì không bị xử phạt theo Điều 28 Nghị định này."

👉 Tại khoản 3 Điều 5 nêu trên quy định về 3 trường hợp bị áp dụng là tình tiết tăng nặng tại các điểm a, b và c. Tuy nhiên, việc lập nhiều hoá đơn sai thời điểm không thuộc các tình tiết tăng nặng tại khoản này.

2.2, Bên cạnh đó, tại Điều 6 Nghị định 125/2020/NĐ-CP (NĐ 125) còn quy định về các tình tiết tăng nặng khác:

"Điều 6. Tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng trong lĩnh vực thuế, hóa đơn
1. Tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
2. Vi phạm hành chính với số tiền thuế (số tiền thuế thiếu, số tiền thuế trốn hoặc số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn cao hơn) từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc giá trị hàng hóa, dịch vụ từ 500.000.000 đồng trở lên được xác định là vi phạm hành chính về thuế có quy mô lớn theo quy định tại điểm l khoản 1 Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Vi phạm hành chính từ 10 số hóa đơn trở lên được xác định là vi phạm hành chính về hóa đơn có quy mô lớn theo quy định tại điểm l khoản 1 Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính."

Tại điểm d khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Luật năm 2020) quy định:

"Điều 10. Tình tiết tăng nặng 
1. Những tình tiết sau đây là tình tiết tăng nặng: 
a) Vi phạm hành chính có tổ chức; 
b) Vi phạm hành chính nhiều lần; tái phạm;
...l) Vi phạm hành chính có quy mô lớn, số lượng hoặc trị giá hàng hóa lớn;"

👉 Luật Xử lý VPHC giao Chính phủ quy định trường hợp VPHC nhiều lần là tình tiết tăng nặng nhưng tại khoản 1 Điều 6 NĐ 125 lại quay lại dẫn chiếu tới pháp luật VPHC => Có thể hiểu là mọi trường hợp VPHC hành chính nhiều lần đều được xem là tình tiết tăng nặng.

👉 Theo khoản 2 Điều 6 NĐ 125, VPHC từ 10 số hoá đơn trở lên được xác định là VPHC có quy mô lớn. Do đó, trường này sẽ là tình tiết tăng nặng theo cả 2 điều kiện (nhiều lần và quy mô lớn). Hay nói cách khác, đây là VPHC nhiều lần được quy định là tình tiết tăng nặng.

2.3, Tuy nhiên, ngày 27/12/2023, Tổng cục Thuế có ban hành Công văn số 5974/TCT-PC với quan điểm ngược lại. Theo đó, cơ quan này cho rằng điểm a, b, c Khoản 3 Điều 5, Khoản 1 Điều 6 Nghị định 125 đã quy định cụ thể việc áp dụng tình tiết tăng nặng “vi phạm hành chính nhiều lần” phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020). Từ đó, TCT khẳng định một số văn bản cơ quan này ban hành trước đó là đúng quy định pháp luật, tức là vi phạm hóa đơn nhiều lần thì bị xử phạt với từng hành vi. 

👉 Về mặt mục đích của quy định, chúng tôi cho rằng việc giới hạn vi phạm nhiều lần áp dụng tình tiết tăng nặng ở 3 trường hợp nêu tại khoản 3 Điều 5 là phù hợp vì Luật đã giao Chính phủ quy định cụ thể. Bất cập ở đây là việc từ Luật Xử lý VPHC đã quy định vi phạm hành chính nhiều lần là tình tiết tăng nặng, nhưng đồng thời cũng quy định nếu là tình tiết tăng nặng (theo Chính phủ quy định) sẽ không áp dụng xử phạt nhiều lần. Rõ ràng là Chính phủ không thể quy định trái Luật nên về logic sẽ thấy ngay mọi vi phạm nhiều lần đều sẽ không áp dụng xử phạt nhiều lần (rất bất hợp lý).

TÓM LẠI: Theo Công văn số 5974/TCT-PC của Tổng cục Thuế khẳng định Công văn số 5125/CTBNI-TTHT ngày 7/11/2023 là phù hợp, trường hợp có nhiều hành vi lập hóa đơn không đúng thời điểm thì không áp dụng tình tiết tăng nặng để miễn xử phạt nhiều lần.{alertInfo} 

3, Phạt VPHC thế nào?

Trên cơ sở các nội dung rút ra tại mục 1 và 2 nêu trên, NNT cần lưu ý quan điểm của cơ quan thuế hiện nay vẫn là: Trường hợp có nhiều hành vi lập hóa đơn không đúng thời điểm thì bị xử phạt vi phạm hành chính đối với từng hành vi phạm căn cứ theo từng số hóa đơn lập không đúng thời điểm.


Hiện nay, Tổng cục Thuế có Công văn số 2768/TCT-PC ngày 26/7/2021 hướng dẫn: "Trường hợp người nộp thuế thực hiện nhiều hành vi lập hóa đơn không đúng thời điểm thì cơ quan thuế căn cứ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm (ngày lập hóa đơn) để xử phạt về từng hành vi vi phạm theo quy định."

Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh cũng có Công văn số 5125/CTBNI-TTHT ngày 07/11/2023 hướng dẫn: "Nếu hành vi vi phạm của Công ty không thuộc các trường hợp áp dụng tình tiết tăng nặng theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ thì bị xử phạt vi phạm hành chính đối với từng hành vi vi phạm căn cứ theo từng hoá đơn lập không đúng thời điểm." 


Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

Bài viết chỉ chứa đựng thông tin chung và nhằm mục đích tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn cho trường hợp cụ thể của người đọc. Vui lòng cân nhắc kĩ càng trước khi sử dụng để đưa ra các quyết định.