Chi nhánh có lập hoá đơn đối với hợp đồng đứng tên trụ sở chính được không?

Câu hỏi:

Công ty tôi có các chi nhánh tại các tỉnh, thành phố khác nơi đặt trụ sở chính. Các chi nhánh trực tiếp tìm kiếm khách hàng, bán hàng. Vậy các chi nhánh (không có tư cách pháp nhân) có được kí hợp đồng với khách hàng và xuất hoá đơn cho khách hàng theo MST của chi nhánh không? Nếu trụ sở chính kí hợp đồng (do yêu cầu khi đấu thầu) nhưng giao cho chi nhánh thực hiện thì chi nhánh có được xuất hoá đơn không? Hoặc chúng tôi uỷ nhiệm cho chi nhánh lập hoá đơn được không?

Trả lời: 

1, Chi nhánh có được trực tiếp giao kết hợp đồng?

Tại Điều 84, 117 và 138 Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24/11/2015 quy định:

"Điều 84. Chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân
1. Chi nhánh, văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, không phải là pháp nhân.
2. Chi nhánh có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của pháp nhân.

5. Người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của pháp nhân trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền.
6. Pháp nhân có quyền, nghĩa vụ dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự do chi nhánh, văn phòng đại diện xác lập, thực hiện.
...  
Điều 117. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;”
...
Điều 138. Đại diện theo ủy quyền
1. Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự."

Tại Điều 44 Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 ngày 17/6/2020 quy định:

“1. Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.”

👉 Cả BLDS và Luật DN đều quy định chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, không có tư cách pháp nhân. Do đó, có 2 hệ quả pháp lý kéo theo như sau: Một là, theo Điều 117 BLDS, chi nhánh không phải là chủ thể có năng lực pháp luật dân sự để giao dịch dân sự, theo đó không thể độc lập giao kết hợp đồng. Hai là, theo Điều 138 BLDS, chi nhánh không thể nhận ủy quyền để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

👉 Khoản 6 Điều 84 BLDS có quy định về chi nhánh xác lập giao dịch dân sự thì cần được hiểu là xác lập nhân danh pháp nhân doanh nghiệp, trên cơ sở là người đứng đầu chi nhánh thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của pháp nhân.

KẾT LẠI: Chủ thể giao kết hợp đồng phải là doanh nghiệp (pháp nhân), nhưng doanh nghiệp có thể ủy quyền cho người đứng đầu chi nhánh ký hợp đồng, giao cho chi nhánh trực tiếp thực hiện hợp đồng.{alertInfo}

2, Chi nhánh nhân danh doanh nghiệp kí kết hợp đồng có phải lập hóa đơn?

Tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định:

“Điều 4. Nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ
1. Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua […]”

Tại khoản 4 Điều 13 Thông tư 80/2021/TT-BTC quy định:

“4. Đối với đơn vị phụ thuộc trực tiếp bán hàng, sử dụng hoá đơn do đơn vị phụ thuộc đăng ký hoặc do người nộp thuế đăng ký với cơ quan thuế quản lý đơn vị phụ thuộc, theo dõi hạch toán đầy đủ thuế giá trị gia tăng đầu ra, đầu vào thì đơn vị phụ thuộc khai thuế, nộp thuế giá trị gia tăng cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp của đơn vị phụ thuộc.”

Tham khảo hướng dẫn của Tổng cục Thuế tại Công văn số 4670/TCT-KK ngày 13/11/2019:

“Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp Công ty cổ phần Du lịch Việt Nam Hà Nội (Công ty) - trụ sở chính tại thành phố Hà Nội, có Chi nhánh tại thành phố Huế, Chi nhánh trực tiếp bán hàng, phát sinh doanh thu thì Chi nhánh thực hiện xuất hóa đơn và kê khai thuế GTGT cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

Tham khảo hướng dẫn của Cục thuế TP.Hà Nội tại Công văn số 97428/CT-TTHT ngày 30/12/2019:

“Trường hợp Công ty TNHH Thang máy Mitsubishi Việt Nam - trụ sở chính tại thành phố Hồ Chí Minh, có Chi nhánh tại thành phố Hà Nội, Chi nhánh trực tiếp bán hàng, phát sinh doanh thu thì Chi nhánh phải thực hiện xuất hóa đơn và kê khai thuế GTGT cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp là Cục Thuế TP Hà Nội.”

Tham khảo hướng dẫn của Cục thuế TP.Hà Nội tại Công văn số 76603/CT-TTHT ngày 19/11/2018:

“Căn cứ các quy định trên, trường hợp Công ty TNHH dịch vụ hàng không Việt An thành lập Chi nhánh tại Đà Nẵng (sau đây gọi là Chi nhánh) là đơn vị hạch toán phụ thuộc của Công ty. Do đặc thù của hoạt động bán vé máy bay, khách hàng có thể đặt mua vé tại bất kỳ đâu và thanh toán tại bất kỳ nơi nào, Công ty và Chi nhánh đều sử dụng chung một hệ thống bán vé điện tử qua mạng thì:
- Trường hợp Chi nhánh tại Đà Nẵng không trực tiếp bán hàng, không phát sinh doanh thu lập hóa đơn từ hoạt động bán vé máy bay, khách hàng liên hệ đặt mua vé máy bay tại Chi nhánh nhưng Công ty lập hóa đơn GTGT bán vé máy bay cho khách hàng thì Công ty thực hiện khai thuế GTGT tập trung tại trụ sở chính theo quy định tại Khoản 1 Điều 11 Thông tư số 156/2013/TT-BTC nêu trên.
- Trường hợp Chi nhánh trực tiếp lập hóa đơn bán vé máy bay cho khách hàng thì Chi nhánh phải đăng kí kê khai, nộp thuế GTGT tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp của Chi nhánh tại Đà Nẵng theo quy định.”

👉 Như vậy, theo pháp luật thuế, chủ thể lập hóa đơn là đơn vị trực tiếp bán hàng/cung ứng dịch vụ (nhằm gắn với nghĩa vụ thuế GTGT). Trường hợp chi nhánh trực tiếp bán hàng thì chi nhánh lập hóa đơn. Do đó, không nhất thiết là pháp nhân doanh nghiệp (chủ thể của giao dịch dân sự)  phải lập hóa đơn.

LƯU Ý: Đối với các hợp đồng đứng tên trụ sở chính nhưng giao cho giám đốc chi nhánh kí kết và giao chi nhánh thực hiện, bên bán muốn chi nhánh lập hóa đơn thì nên quy định cụ thể trong hợp đồng là chi nhánh sẽ trực tiếp bán hàng, từ đó có thêm cơ sở giải trình với cơ quan thuế về chủ thể lập hóa đơn.{alertWarning}

3, Doanh nghiệp ủy nhiệm cho chi nhánh lập hóa đơn được không?

Tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định:

“7. Người bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ là doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác được ủy nhiệm cho bên thứ ba lập hóa đơn điện tử cho hoạt động bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Hóa đơn được ủy nhiệm cho bên thứ ba lập vẫn phải thể hiện tên đơn vị bán là bên ủy nhiệm.[…]”

Tại Điều 3 Thông tư 78/2021/TT-BTC quy định về ủy nhiệm lập hóa đơn điện tử:

“Điều 3. Ủy nhiệm lập hóa đơn điện tử
1. Nguyên tắc ủy nhiệm lập hóa đơn
a) Người bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ là doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác được quyền ủy nhiệm cho bên thứ ba là bên có quan hệ liên kết với người bán, là đối tượng đủ điều kiện sử dụng hóa đơn điện tử và không thuộc trường hợp ngừng sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP để lập hóa đơn điện tử cho hoạt động bán hàng hóa, dịch vụ. Quan hệ liên kết được xác định theo quy định của pháp luật về quản lý thuế;
b) Việc ủy nhiệm phải được lập bằng văn bản (hợp đồng hoặc thỏa thuận) giữa bên ủy nhiệm và bên nhận ủy nhiệm;
[…]”

Tại Công văn 67048/CTHN-TTHT ngày 15/9/2023, Cục Thuế TP.Hà Nội hướng dẫn:

“Căn cứ các quy định trên, trường hợp Người bán hàng hóa, cung, cấp dịch vụ là Tổng Công ty ủy nhiệm cho bến thứ ba là Chi nhánh lập hóa đơn điện tử cho hoạt động bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, thì Chi nhánh được lập hóa đơn theo quy định tại Khoản 7 Điều 4 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Điều 3 Thông tư số 78/2021/TT-BTC .”

Như vậy, doanh nghiệp có thể ủy quyền cho chi nhánh lập hóa đơn. Tuy nhiên, lưu ý rằng trong trường hợp đó thì bên bán trên hóa đơn vẫn là trụ sở chính (bên ủy nhiệm).


Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

Bài viết chỉ chứa đựng thông tin chung và nhằm mục đích tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn cho trường hợp cụ thể của người đọc. Vui lòng cân nhắc kĩ càng trước khi sử dụng để đưa ra các quyết định.