Chi phí đóng góp cho hội, hiệp hội có cần hoá đơn không?

Ngoài hội phí, phí hội viên, các hội, hiệp hội còn tổ chức các sự kiện (gala dinner, hội thảo,…) có thu tiền tham dự của các hội viên. Các khoản thu này có phải lập hóa đơn, kê khai thuế GTGT hay không còn phụ thuộc vào bản chất của khoản thu.

1, Quy định của pháp luật

1.1, Về hoạt động của Hội

Tại Nghị định 45/2010/NĐ-CP quy định tổ chức, hoạt động và quản lý đối với hội.:

“Điều 3. Nguyên tắc tổ chức, hoạt động của hội
Tổ chức, hoạt động của hội được thực hiện theo các nguyên tắc sau đây:
…3. Tự bảo đảm kinh phí hoạt động;
4. Không vì mục đích lợi nhuận;

Điều 8. Nội dung chính của Điều lệ hội
…7. Quyền, nghĩa vụ của hội viên.
…9. Tài sản, tài chính và phương thức quản lý tài sản, tài chính của hội.

Điều 13. Phê duyệt điều lệ hội và hiệu lực của điều lệ hội
1. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 14 của Nghị định này quyết định phê duyệt điều lệ hội khi điều lệ hội đã được đại hội thông qua. Trường hợp quy định của điều lệ hội trái với pháp luật thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ chối phê duyệt và yêu cầu hội sửa đổi.
2. Điều lệ hội có hiệu lực kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định phê duyệt.

Điều 23. Quyền của hội
…11. Được gây quỹ hội trên cơ sở hội phí của hội viên và các nguồn thu từ hoạt động kinh doanh, dịch vụ theo quy định của pháp luật để tự trang trải về kinh phí hoạt động.”

👉 Như vậy, Hội hoạt động không vì lợi nhuận. Nhưng Hội vẫn được hoạt động kinh doanh, dịch vụ để tạo nguồn thu cho quỹ hội (Ngoài ra thì Hội được gây quỹ hội trên cơ sở hội phí). Các quy định về tài chính của Hội được quy định tại Điều lệ của Hội.

1.2, Về thuế GTGT

Tại Luật Thuế GTGT năm 2008 quy định:

“Điều 3. Đối tượng chịu thuế
Hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, trừ các đối tượng quy định tại Điều 5 của Luật này.”

Tại Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 219/2013/TT-BTC quy định:

“1. Tổ chức, cá nhân nhận các khoản thu về bồi thường bằng tiền (bao gồm cả tiền bồi thường về đất và tài sản trên đất khi bị thu hồi đất theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền), tiền thưởng, tiền hỗ trợ, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác.
Cơ sở kinh doanh khi nhận khoản tiền thu về bồi thường, tiền thưởng, tiền hỗ trợ nhận được, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác thì lập chứng từ thu theo quy định. Đối với cơ sở kinh doanh chi tiền, căn cứ mục đích chi để lập chứng từ chi tiền.
Trường hợp cơ sở kinh doanh nhận tiền của tổ chức, cá nhân để thực hiện dịch vụ cho tổ chức, cá nhân như sửa chữa, bảo hành, khuyến mại, quảng cáo thì phải kê khai, nộp thuế theo quy định...”

👉 Như vậy, đối với khoản thu được lập chứng từ thu, Thông tư 219 không quy định cụ thể về khoản tiền thu hội phí. Tuy nhiên, hội phí có bản chất là khoản tiền các hội đóng góp nhằm duy trì hoạt động chung của hội, không phải là hàng hóa hay dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Do đó, áp dụng Điều 3 Luật thuế GTGT nêu trên thì không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT. Đồng thời, áp dụng Điều 14 Luật thuế GTGT thì thu hội phí cũng không phải lập hóa đơn. Đây có thể được xem là “khoản thu tài chính khác” được đề cập tại khoản 1 Điều 5 Thông tư 219 – tức khi thu hội phí thì lập phiếu thu.

1.3, Về thuế TNDN

Tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC quy định:

“2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:
2.14. Phần chi đóng góp vào các quỹ của Hiệp hội (các Hiệp hội này được thành lập theo quy định của pháp luât) vượt quá mức quy định của Hiệp hội.”

👉 Theo quy định này, doanh nghiệp cần lưu ý: (1) chỉ áp dụng với khoản đóng góp vào quỹ của Hiệp hội (không áp dụng với các khoản tài trợ, ủng hộ không góp vào quỹ), (2) Hiệp hội được thành lập theo quy định của pháp luật (tức phù hợp với Nghị định 45 nêu trên), (3) không vượt quá mức quy định của Hiệp hội.


2, Công văn hướng dẫn của cơ quan thuế

2.1, Công văn trả lời cho các hội

Tại Công văn 10186/BTC-TCT ngày 12/8/2005, Bộ Tài chính hướng dẫn Liên đoàn Bóng đá Việt Nam:

“1. Thuế GTGT:
- Về đối tượng chịu thuế GTGT: LĐBĐ phải kê khai nộp thuế GTGT đối với doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT theo hướng dẫn tại […]. Doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT LĐBĐVN phải kê khai nộp thuế GTGT từ các hoạt động:
1. Sản xuất kinh doanh;
2. Hoạt động quảng cáo (kể cả các khoản tài trợ thông qua quảng cáo);
3. Xuất bản sách, báo, nguyệt san;
4. Tiền cho thuê tài sản của Liên đoàn;
5. Tiền bán các biểu trưng, biểu tượng, huy hiệu … của Liên đoàn;
6. Tiền bán bản quyền truyền hình các giải thi đấu thể thao.
…5. Các khoản thu không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT và thuế TNDN: doanh thu bán vé các giải thi đấu bóng đá*, các khoản thu do NSNN cấp, các khoản thu từ tài trợ, viện trợ không gắn với hoạt động quảng cáo và các hoạt động sản xuất kinh doanh khác không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT và thuế TNDN, các khoản thu phí hội viên, phí, lệ phí theo quy định của nhà nước, tiền bán tài sản của LĐBĐ (tài sản không trực tiếp tham gia sản xuất kinh doanh)…”

(🚩 *Lưu ý: Hướng dẫn này dựa trên quy định cũ tại Thông tư 120/2003/TT-BTC về việc thể dục, thể thao, tổ chức luyện tập, thi đấu mang tính phong trào, quần chúng không thu tiền hoặc có thu tiền dưới hình thức bán vé vào xem, thu tiền luyện tập nhưng không nhằm mục đích kinh doanh thì không chịu thuế GTGT. Hiện tại đã không còn quy định này.)

Tại Công văn 15725/BTC-CST ngày 04/11/2016, Bộ Tài chính hướng dẫn Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Tp. Hồ Chí Minh:

“Ngày 14/10/2016 Bộ Tài chính đã có công văn số 14518/BTC-CST gửi Hiệp hội về chính sách thuế đối với khoản phí hội viên hàng năm đóng góp cho quỹ của Hiệp hội. Theo đó, trường hợp doanh nghiệp đóng góp phí hội viên vào quỹ của Hiệp hội nếu không vượt quá mức quy định của Hiệp hội và có phiếu thu có đóng dấu của Hiệp hội cho doanh nghiệp thì khoản chi này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.”

Tại Công văn 6592/CT-TTHT ngày 12/7/2016, Cục thuế TP.HCM hướng dẫn Liên Đoàn Quần Vợt thành phố Hồ Chí Minh:

“Trường hợp Liên Đoàn là đơn vị kê khai nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp, thuế TNDN theo tỷ lệ % trên doanh thu thì hoạt động tổ chức thi đấu, nhận tiền tài trợ của các tổ chức trong và ngoài nước có kèm điều kiện thực hiện dịch vụ như quảng bá thương hiệu, sản phẩm thuộc ngành dịch vụ áp dụng tỷ lệ thuế GTGT là 5%, Thuế TNDN là 5%. Thu nhập từ tiền lãi Ngân hàng áp dụng tỷ lệ thuế TNDN là 5%.
Khoản tiền lệ phí tham gia Liên Đoàn và hội phí hàng năm thu từ hội viên không phải chịu thuế GTGT, thuế TNDN (khoản thu được sử dụng phục vụ cho hoạt động của Liên Đoàn).”

2.1, Công văn liên quan đến tổ chức sự kiện, hội nghị


Tại Công văn 5050/TCT-CS ngày 29/12/2008, Tổng cục Thuế hướng dẫn Ban chấp hành Trung ương Đoàn thành niên cộng sản Hồ Chí Minh:

“Căn cứ hướng dẫn nêu trên, trường hợp Ban tổ chức "Liên hoan âm nhạc học sinh, sinh viên Việt Nam" là Ban chấp hành Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh nhận hỗ trợ về kinh phí bằng tiền để tổ chức liên hoan âm nhạc thì Ban tổ chức lập chứng từ thu tiền không phải xuất hoá đơn GTGT và không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ tiền tài trợ.
Cơ sở kinh doanh chi tiền tài trợ, căn cứ mục đích tài trợ đã được ghi trong hợp đồng tài trợ để lập chứng từ chi tiền.”

Tại Công văn 73952/CT-TTHT ngày 10/8/2020, Cục thuế Hà Nội hướng dẫn Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia:

“1. Chính sách thuế đối với khoản thu tài trợ
Trường hợp Trung tâm nhận các khoản tài trợ bằng tiền từ các cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước cho tổ chức sự kiện, hội nghị, hội thảo thì thuộc trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Thông tư 219/2013/TT-BTC nêu trên. Khi nhận tiền tài trợ, Trung tâm lập chứng từ thu theo quy định.
Trường hợp Trung tâm nhận tiền của tổ chức, cá nhân để thực hiện dịch vụ cho tổ chức, cá nhân, như sửa chữa, bảo hành, khuyến mại, quảng cáo thì phải kê khai, nộp thuế theo quy định.”

Tại Công văn 3369/CT-TTHT ngày 21/4/2015, Cục thuế TP.HCM hướng dẫn Công ty TNHH CM Plus Việt Nam:

“1/ Trường hợp Công ty tổ chức hội thảo chuyên đề “GMP 2015” có thu tiền phí của các thành viên tham dự, trong đó Công ty có mời một số khách hàng, thành viên từ Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam (VNPCA) được tham dự miễn phí thì đối với các khách mời tham gia hội thảo, Công ty vẫn phải lập hóa đơn GTGT, tính, kê khai nộp thuế GTGT theo quy định. Các thành viên từ VNPCA tham dự hội nghị miễn phí được Công ty chi trả khoản tiền vé máy bay, khách sạn thì không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của các thành viên này.”

3, Tổng kết

3.1, Phân biệt các trường hợp thu tiền của Hội

Trường hợp Hội (dưới các tên gọi khác nhau như liên hiệp hội, tổng hội, liên đoàn, hiệp hội, câu lạc bộ) có thu tiền của hội viên như thu hội phí, thu tiền đóng góp cho sự kiện, hội thảo,... thì:

- Trường hợp có bản chất là cung cấp dịch vụ cho các đơn vị tham gia thì thực hiện xuất hóa đơn, kê khai nộp thuế GTGT. Hội viên là cơ sở kinh doanh sử dụng hóa đơn hợp pháp để ghi nhận chi phí được trừ.

- Trường hợp có bản chất là nhận tiền tài trợ, hỗ trợ thì thực hiện lập chứng từ thu. Hội viên là cơ sở kinh doanh sử dụng phiếu thu để tính vào chi phí được trừ với điều kiện tuân thủ các quy định về chi tài trợ (điểm 2.22 – 2.26 khoản 2 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC, đã được sửa đổi bởi Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC).

- Trường hợp có bản chất là nhận tiền đóng góp vào các quỹ của Hội theo Điều lệ của Hội thì thực hiện lập chứng từ thu. Hội viên là cơ sở kinh doanh sử dụng phiếu thu để tính vào chi phí được trừ với điều kiện không vượt mức quy định của Hội và Hội được thành lập theo quy định của pháp luật.

3.2, Lưu ý với các trường hợp đóng hội phí

Để đảm bảo chi phí đóng hội phí được ghi nhận chi phí được trừ, doanh nghiệp cần lưu ý:

- Đề nghị Hội cung cấp quyết định thành lập của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xác định Hội được thành lập đúng quy định.

- Đề nghị Hội cung cấp điều lệ để kiểm tra việc đóng hội phí có phù hợp với điều lệ không (có được góp vào quỹ hội không, mức đóng có đúng quy định không). Trường hợp điều lệ không quy định cụ thể thì đề nghị cung cấp thêm văn bản quy định chi tiết của Hội nhưng phải đảm bảo văn bản này được ban hành theo đúng điều lệ Hội (đúng thẩm quyền, đang có hiệu lực,…)

- Đề nghị Hội cung cấp quyết định phê duyệt điều lệ để kiểm tra điều lệ đã được phê duyệt bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa.

(Theo Điều 14 Nghị định 45/2010/NĐ-CP thì: Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định thành lập, phê duyệt điều lệ với Hội hoạt động ở phạm vi cả nước hoặc liên tỉnh; Chủ tịch UBND tỉnh quyết định với Hội trong tỉnh.)



Ảnh: freepik

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

Bài viết chỉ chứa đựng thông tin chung và nhằm mục đích tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn cho trường hợp cụ thể của người đọc. Vui lòng cân nhắc kĩ càng trước khi sử dụng để đưa ra các quyết định.