Chính sách thuế với hàng hóa bán qua thương nhân nước ngoài có hiện diện tại Việt Nam

Thời gian gần đây, các cơ quan hải quan đã bắt đầu từ chối làm thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ do thương nhân nước ngoài chỉ định giao hàng không thoả mãn điều kiện "không có hiện diện tại Việt Nam". Điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp thực hiện xuất nhập khẩu tại chỗ lâu nay gặp nhiều lúng túng.

1, Quy về định xuất nhập khẩu tại chỗ

Tại điểm c khoản 1 Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định:

“Điều 35. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ
1. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ bao gồm:
...
c) Hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam và được thương nhân nước ngoài chỉ định giao, nhận hàng hóa với doanh nghiệp khác tại Việt Nam.”

👉 Như vậy, để được xem là xuất nhập khẩu tại chỗ thì hoạt động nêu trên phải đảm bảo điều kiện “tổ chức, cá nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam”.


Việc xác định có hiện diện tại Việt Nam hay không được thực hiện theo pháp luật về quản lý ngoại thương, cụ thể:

Tại khoản 5 Điều 3 Luật Quản lý ngoại thương quy định: “Thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam là thương nhân nước ngoài không có hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam theo các hình thức được quy định trong pháp luật về đầu tư, thương mại, doanh nghiệp; không có văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về thương mại, doanh nghiệp.”

Tại khoản 2 Nghị định số 90/2007/NĐ-CP ngày 31/05/2007 của Chính phủ quy định: “Thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam là thương nhân nước ngoài không có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo các hình thức được quy định trong Luật Đầu tư, Luật Thương mại; không có văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam theo Luật Thương mại.”{alertInfo}

Tại Công văn số 676/GSQL-GQ2 ngày 17/5/2023, Cục GSQL về Hải quan hướng dẫn:

“Đối chiếu với quy định tại điểm c khoản 1 Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ, trường hợp xác định thương nhân nước ngoài đã có hiện diện tại Việt Nam thì không thuộc trường hợp xuất nhập khẩu tại chỗ.”

👉 Như vậy, hàng hóa được doanh nghiệp Việt Nam bán cho tổ chức, cá nhân nước ngoài có hiện diện tại Việt Nam và được thương nhân nước ngoài chỉ định giao, nhận hàng hóa với doanh nghiệp khác tại Việt Nam thì không phải là xuất khẩu tại chỗ.


2, Quy định về thủ tục hải quan

Tại Điều 28 Luật Thương mại năm 2005 quy định:

“1. Xuất khẩu hàng hóa là việc hàng hóa được đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc đưa vào khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật.
2. Nhập khẩu hàng hóa là việc hàng hóa được đưa vào lãnh thổ Việt Nam từ nước ngoài hoặc từ khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật.”

Tại khoản 4 Điều 3 Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 quy định: 

“Khu vực hải quan riêng là khu vực địa lý xác định trên lãnh thổ Việt Nam được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam là thành viên; có quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa với phần lãnh thổ còn lại và nước ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu.”

👉 Như vậy, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải được đưa ra/ đưa vào lãnh thổ Việt Nam hoặc đưa ra/ đưa vào khu vực hải quan riêng (khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất, khu phi thuế quan, kho ngoại quan).

Do đó, trường hợp hàng hóa được doanh nghiệp Việt Nam bán cho tổ chức, cá nhân nước ngoài và được thương nhân nước ngoài chỉ định giao, nhận hàng hóa với doanh nghiệp khác tại Việt Nam mà không có sự dịch chuyển ra/vào lãnh thổ Việt Nam hoặc khu vực hải quan riêng (sau đây gọi là Hàng hóa bán qua trung gian nước ngoài có hiện diện tại Việt Nam) thì không thuộc đối tượng hàng hóa XNK chịu sự quản lý của cơ quan hải quan, do đó không phải làm thủ tục hải quan.

3, Quy định về thuế

3.1, Về thuế GTGT

Hàng hóa bán qua trung gian nước ngoài có hiện diện tại Việt Nam không được xem là hàng hóa xuất khẩu theo điểm a khoản 1 Điều 9 Thông tư 219/2013/TT-BTC nên không được áp dụng thuế suất 0%.

Theo đó, doanh nghiệp có hàng hoá bán qua trung gian nước ngoài có hiện diện tại Việt Nam phải lập hóa đơn với thuế suất như bán cho doanh nghiệp nội địa thông thường.{alertWarning}

3.2, Về thuế nhà thầu

Tại khoản 1 Điều 1 Thông tư 103/2014/TT-BTC quy định:

“Điều 1. Đối tượng áp dụng
Hướng dẫn tại Thông tư này áp dụng đối với các đối tượng sau (trừ trường hợp nêu tại Điều 2 Chương I):
1. Tổ chức nước ngoài kinh doanh có cơ sở thường trú tại Việt Nam hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam; cá nhân nước ngoài kinh doanh là đối tượng cư trú tại Việt Nam hoặc không là đối tượng cư trú tại Việt Nam (sau đây gọi chung là Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài) kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng, thỏa thuận, hoặc cam kết giữa Nhà thầu nước ngoài với tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc giữa Nhà thầu nước ngoài với Nhà thầu phụ nước ngoài để thực hiện một phần công việc của Hợp đồng nhà thầu.”

Như vậy, hàng hóa bán qua trung gian nước ngoài có hiện diện tại Việt Nam thì thu nhập mà thương nhân nước ngoài nhận được từ doanh nghiệp Việt Nam mua hàng (doanh nghiệp được chỉ định nhận hàng) vẫn phải kê khai, nộp thuế nhà thầu thay cho NTNN. Cụ thể:
+ Thuế TNDN: theo tỉ lệ quy định.
+ Thuế GTGT: không áp dụng do tại Thông tư 103/2014/TT-BTC không quy định.{alertWarning}

Ảnh: Freepik

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

Bài viết chỉ chứa đựng thông tin chung và nhằm mục đích tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn cho trường hợp cụ thể của người đọc. Vui lòng cân nhắc kĩ càng trước khi sử dụng để đưa ra các quyết định.