Câu hỏi:
Doanh nghiệp tôi có một khoản phải trả đang theo dõi lâu ngày. Đến nay, doanh nghiệp chủ nợ của khoản đó đã giải thể. Vậy doanh nghiệp tôi phải hạch toán và xác định nghĩa vụ thuế đối với khoản tiền này như thế nào?
Trả lời:
1, Quy định về kế toán và thuế
Tại đoạn 30 và 33 Chuẩn mực kế toán số 14 quy định:
“30. Thu nhập khác quy định trong chuẩn mực này bao gồm các khoản thu từ các hoạt động xảy ra không thường xuyên, ngoài các hoạt động tạo ra doanh thu, gồm:… - Khoản nợ phải trả nay mất chủ được ghi tăng thu nhập;33. Khoản nợ phải trả nay mất chủ là khoản nợ phải trả không xác định được chủ nợ hoặc chủ nợ không còn tồn tại.”
Tại Điều 93 Thông tư 200/2014/TT-BTC quy định về “Tài khoản 711 - Thu nhập khác”:
“1. Nguyên tắc kế toána) Tài khoản này dùng để phản ánh các khoản thu nhập khác ngoài hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. gồm:…- Thu các khoản nợ phải trả không xác định được chủ;…- Các khoản thu nhập khác ngoài các khoản nêu trên.…3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu…i) Các khoản nợ phải trả không xác định được chủ nợ, quyết định xoá và tính vào thu nhập khác, ghi:Nợ TK 331 - Phải trả cho người bánNợ TK 338 - Phải trả, phải nộp khácCó TK 711 - Thu nhập khác.”
Tại Điều 7 Thông tư 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định:
“Điều 7. Thu nhập khácThu nhập khác bao gồm các khoản thu nhập sau:11. Khoản nợ phải trả không xác định được chủ nợ.23. Các khoản thu nhập khác theo quy định của pháp luật.”
👉 Như vậy, khoản nợ phải trả mà chủ nợ không còn tồn tại thì phải ghi nhận là "thu nhập khác" theo cả pháp luật về kế toán và thuế.
2, Quy định về xác định doanh nghiệp không còn tồn tại
Tại Điều 96 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
“Điều 96. Chấm dứt tồn tại pháp nhân1. Pháp nhân chấm dứt tồn tại trong trường hợp sau đây:a) Hợp nhất, sáp nhập, chia, chuyển đổi hình thức, giải thể pháp nhân theo quy định tại các điều 88, 89, 90, 92 và 93 của Bộ luật này;b) Bị tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.2. Pháp nhân chấm dứt tồn tại kể từ thời điểm xóa tên trong sổ đăng ký pháp nhân hoặc từ thời điểm được xác định trong quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”
Luật Doanh nghiệp từ năm 2014 về sau đã bỏ quy định về “xóa tên khỏi sổ đăng ký kinh doanh”
Tuy nhiên, tại Điều 208 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:
“8. Sau thời hạn 180 ngày kể từ ngày nhận được nghị quyết, quyết định giải thể theo quy định tại khoản 3 Điều này mà không nhận được ý kiến về việc giải thể từ doanh nghiệp hoặc phản đối của bên có liên quan bằng văn bản hoặc trong 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ giải thể, Cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp;”
Tại Khoản 6 Điều 41 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp quy định:
“6. “Đã giải thể, phá sản, chấm dứt tồn tại” là tình trạng pháp lý của doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục giải thể theo quy định và được Phòng Đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý theo khoản 8 Điều 208, khoản 5 Điều 209 Luật Doanh nghiệp; doanh nghiệp có quyết định tuyên bố phá sản của Tòa án theo quy định của pháp luật về phá sản; doanh nghiệp bị chấm dứt tồn tại do bị chia, bị hợp nhất, bị sáp nhập theo khoản 5 Điều 198, khoản 5 Điều 200, khoản 4 Điều 201 Luật Doanh nghiệp. Thời gian xác định chuyển tình trạng pháp lý “Đã giải thể, phá sản, chấm dứt tồn tại” là thời điểm Phòng Đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.”
Tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp quy định:
“3. Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp là tập hợp dữ liệu về đăng ký doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc. Thông tin trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và tình trạng pháp lý của doanh nghiệp lưu giữ tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp có giá trị pháp lý là thông tin gốc về doanh nghiệp.”
👉 Như vậy, khi doanh nghiệp được cập nhật tình trạng pháp lý “Đã giải thể, phá sản, chấm dứt tồn tại” trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp thì được xác định là pháp nhân chấm dứt tồn tại.
3, Kết luận
Theo các quy định trên, trường hợp chủ nợ là doanh nghiệp có tình trạng pháp lý “Đã giải thể, phá sản, chấm dứt tồn tại” trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp thì có thể xem là chủ nợ không còn tồn tại. Khi đó, khoản phải trả cho các chủ nợ như vậy được ghi nhận vào Thu nhập khác (TK 711).
(Tình trạng pháp lý của doanh nghiệp có thể tra cứu miễn phí trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp tại địa chỉ https://dangkykinhdoanh.gov.vn.)
Lưu ý: Nếu tra cứu trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho thấy tình trạng doanh nghiệp là "Đang làm thủ tục giải thể" thì chưa phải là đã giải thế. Theo đó, doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục theo dõi khoản phải trả và chưa được ghi nhận "thu nhập khác".