Ngày 10/5/2023, Tổng cục Thuế ban hành Công văn 1647/TCT-CS hướng dẫn về việc xử lý hóa đơn điện tử đã lập có sai sót.
1, TCT đưa các hướng dẫn chi tiết
Theo đó, một số nội dung vướng mắc nổi cộm trong thời gian qua đã được TCT hướng dẫn cụ thể bao gồm: (1) cách lập hóa đơn điều chỉnh/thay thế, (2) đã lập hóa đơn điều chỉnh/thay thế nhưng tiếp tục phát hiện sai sót, (3) không hủy và lập báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn đối với hóa đơn giấy trước đây có sai sót, (4) không gửi mẫu 04/SS-HĐĐT đối với trường hợp điều chỉnh/thay thế hóa đơn.
Cụ thể như sau:
2, Có thể thấy gì từ Công văn 1647?
Hướng dẫn chi tiết của TCT tại Công văn 1647 là rất đáng hoan nghênh, dù có phần hơi chậm so với thời điểm hoá đơn điện tử bắt buộc áp dụng 1/7/2022. Các nội dung tại Công văn 1647 cũng cho thấy còn một số vấn đề trong chính sách thuế về hoá đơn điện tử.
Thứ nhất, vẫn còn giữ tư duy hoá đơn giấy đối với hoá đơn điện tử. Điều này thể hiện rõ trong quy định về điều chỉnh/thay thế hoá đơn. Một là, tại NĐ 123 quy định phải có dòng chữ “Điều chỉnh/Thay thế cho hóa đơn Mẫu số... ký hiệu... số... ngày... tháng... năm”. Thế nhưng, định dạng dữ liệu hoá đơn theo quy định của TCT lại không hề có thẻ dữ liệu XML nào để ghi dòng chữ này. Thay vào đó, các thông tin về hoá đơn gốc được đặt trong thẻ TTHDLQuan chứa thông tin về hoá đơn liên quan. Như vậy, có thể thấy rõ quy định này vẫn nặng nề “tư duy giấy”. Hai là, NĐ 123 và TT 78 không có quy định chi tiết về lập hoá đơn điều chỉnh/thay thế để phù hợp với việc xây dựng cơ sở dữ liệu. Tại CV 1647 nêu trên, lần đầu tiên TCT có hướng dẫn về sửa chữa sai sót hoá đơn điện tử thì phải bỏ đi và viết lại cả dòng. Trước đó, tư duy thông thường là “sai đâu sửa đó” - kế toán chỉ sửa chỉ tiêu sai mà không điền lại chỉ tiêu đúng. Điều này khiến cho dữ liệu về hoá đơn không đầy đủ, khiến cho việc kiểm tra số tiền hoá đơn với tờ khai thuế GTGT gặp khó khăn.
Thứ hai, quy định tại thông tư trái với nghị định. Sở dĩ có hướng dẫn về trường hợp không phải gửi thông báo sai sót tại Công văn 1647 là vì quy định tại TT 78 trái với NĐ 123. Tại điểm b khoản 2 Điều 19 NĐ 123 quy định không cần gửi thông báo sai sót khi đã lập hoá đơn điều chỉnh/thay thế. Tuy nhiên, tại điểm b khoản 1 Điều 7 TT 78 vẫn yêu cầu gửi thông báo. Căn cứ trên quy định áp dụng văn bản pháp lý có hiệu lực cao hơn (khoản 2 Điều 156 Luật Ban hành các VBQPPL), TCT đã hướng dẫn theo hướng thực hiện theo quy định tại NĐ 123 - tức là không cần gửi mẫu 04/SS-HĐĐT.
Thứ ba, hướng dẫn tại công văn thiếu cơ sở pháp lý. Trừ nội dung về gửi thông báo sai sót, các hướng dẫn về lập hoá đơn thay thế/điều chỉnh và lập hoá đơn F2 tại Công văn 1647 không hề có một căn cứ vững chắc về pháp lý tại NĐ 123 và TT 78. Do đó, các hướng dẫn này dù rõ ràng hơn cho doanh nghiệp thực hiện nhưng vẫn cần phải sớm “thông tư hoá” để có tính pháp lý đủ mạnh.
3, Còn tồn tại những vướng mắc gì?
Mặc dù các vấn đề nổi cộm nhất đã được Công văn 1647 giải quyết, thực tế vẫn còn một số vấn đề cần được TCT hướng dẫn thêm.
Thứ nhất, vẫn chưa có hướng dẫn điều chỉnh sai sót về mã số thuế (MST).
👉 Quan điểm của chúng tôi: Trường hợp sai sót về MST người mua thì không áp dụng được hướng dẫn tại Công văn 1647. Trong tình huống này, chúng tôi cho rằng doanh nghiệp nên lựa chọn áp dụng thay thế hoá đơn.
Thứ hai, cần thêm quy định về điều chỉnh hoá đơn lập kèm bảng kê. Chưa rõ đối với hoá đơn lập kèm bảng kê thì khi điều chỉnh cần lập bảng kê mới thay thế bảng kê cũ hay chỉ cần kèm theo bảng kê thể hiện các dòng bị sai sót.
👉 Quan điểm của chúng tôi: Tương ứng với việc giảm toàn bộ dòng sai theo hướng dẫn tại Công văn 1647, bảng kê cũ cùng cần xem như là bị xoá bỏ toàn bộ và hoá đơn điều chỉnh cần kèm theo bảng kê mới thay thế cho bảng kê cũ.
Bạn đọc còn cảm thấy còn nội dung gì vướng mắc về xử lý hoá đơn điện tử sai sót, vui lòng trao đổi với chúng tôi bên dưới.
Tags:
[Invoice]
hoá đơn
hoá đơn điện tử
invoice
Nghị định 123
nổi bật
phân tích
sai sót
thuế chuyên sâu
Tổng cục Thuế
TT 78/2021
Em chưa hiểu rõ ý thứ nhất, ad giải thích thêm được không ạ?
Trả lờiXóaChào bạn, khi lập hoá đơn điều chỉnh, bạn ghi lại toàn bộ dòng hàng hoá/dịch vụ của hoá đơn gốc nhưng ghi âm, sau đó ghi thêm một dòng hàng hoá/dịch vụ đúng phản ánh giá trị mà bạn muốn điều chỉnh thành. Các dòng đều phải có đầy đủ các tiêu thức theo quy định. (Bạn không điều chỉnh bằng cách chỉ viết một dòng trên hoá đơn và ghi giá trị chênh lệch tăng/giảm như quy định cũ tại Thông tư 39/2014/TT-BTC)
Xóa