Mới đây, ngày 20/3/2023, Tổng cục Thuế ban hành Công văn 786/TCT-CS hướng dẫn về chi hỗ trợ/thưởng bằng tiền cho điểm bán lẻ/nhân viên của điểm bán lẻ:
1, Quan điểm của TCT tại Công văn 786/TCT-CS
Cụ thể, nội dung công văn này như sau:
Theo trình bày của Công ty tại công văn số 077/2022CLVL-HN và công văn số 3382/CT-TTHT của Cục Thuế TP Hải Phòng: Công ty không trực tiếp bán hàng hóa cho người tiêu dùng mà bán thông qua hệ thống các nhà phân phối (mua hàng trực tiếp của Công ty) và điểm bán lẻ của nhà phân phối (mua hàng thông qua nhà phân phối); Công ty có chi hỗ trợ bằng tiền cho điểm bán lẻ thông qua nhà phân phối nếu điểm bán lẻ đạt sản lượng cam kết theo quy định của Công ty, ngoài ra Công ty còn chi hỗ trợ thưởng bằng tiền cho nhân viên bán hàng của nhà phân phối không phải là nhân viên của Công ty thì các khoản chi nêu trên không đủ cơ sở để xác định là khoản chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Như vậy, quan điểm của Tổng cục Thuế là doanh nghiệp sản xuất không được tính vào chi phí được trừ đối với các chi phí sau:
- Chi hỗ trợ bằng tiền cho điểm bán lẻ thông qua nhà phân phối, trong đó điểm bán lẻ là của nhà phân phối (mua hàng thông qua nhà phân phối) – nếu xét theo cấp đại lý thì có thể xem điểm bán lẻ là đại lý cấp 2 của doanh nghiệp sản xuất.
- Chi hỗ trợ thưởng bằng tiền cho nhân viên bán hàng của nhà phân phối không phải là nhân viên của doanh nghiệp sản xuất.
Tại Công văn 786 đề cập đến căn cứ của hướng dẫn này là “quy định tại điểm k khoản 2 Điều 9 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP” – tức là “Các khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế” là khoản chi không được trừ.
2, Quan điểm của TCT tại vụ việc khác
Vụ việc 1: Coca-Cola Việt Nam
Cuối tháng 12-2019, Tổng cục Thuế từng xử phạt hành chính Coca-Cola Việt Nam với tổng số tiền lên đến hơn 821 tỉ đồng (theo Tuổi trẻ).
Trong đó:
- Về vật phẩm được đặt tại các điểm bán hàng: TCT không chấp nhận cho Coca-Cola Việt Nam tính vào chi phí được trừ đối với chi phí mua ngoài các vật phẩm này và không cho khấu trừ thuế GTGT đầu vào tương ứng.
- Về tủ lạnh đặt tại các các điểm bán hàng (Coca-Cola Việt Nam cho các điểm bán hàng “mượn” theo thoả thuận): TCT không cho tính chi phí khấu hao tủ lạnh vào vào chi phí được trừ.
Tổng cục Thuế cho rằng do Coca-Cola Việt Nam ký hợp đồng mua đứt bán đoạn sản phẩm nước giải khát, do vậy khách hàng của nhà phân phối không phải là khách hàng của Coca-Cola Việt Nam; do đó, các chi phí nêu trên vì cho rằng không liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Coca-Cola Việt Nam.
Vụ trưởng Vụ Doanh nghiệp lớn TCT từng giải thích rõ hơn về vấn đề này như sau: Những tài sản phục vụ trực tiếp cho việc bán hàng như tủ lạnh, tủ mát,...phục vụ cho khách hàng tiêu dùng và đem lại doanh thu cho người bán lẻ, chứ không phải nhà sản xuất. Hay nói cách khác, chi phí cho tủ lạnh, tủ mát,... mà DN bỏ ra hỗ trợ đại lý không tạo doanh thu trực tiếp cho doanh nghiệp sản xuất.
Vụ việc 2: Một doanh nghiệp bảo hiểm
Trên cơ sở thỏa thuận với đại lý tổ chức (là một ngân hàng thương mại tại Việt Nam), Công ty bảo hiểm trực tiếp triển khai chương trình thi đua bán hàng cho nhân viên của một đại lý này (chuyển tiền thưởng trực tiếp vào tài khoản của nhân viên đại lý). Đơn vị thanh tra cho rằng tại Nghị định 73/2016/NĐ-CP quy định đối tượng nhận thưởng, hỗ trợ là đại lý, không có trường hợp chi trực tiếp cho cá nhân trong đại lý. Tổng cục Thuế cũng cho rằng hợp đồng đại lý được ký giữa Công ty bảo hiểm và đại lý tổ chức; do đó, về nguyên tắc phải thực hiện chi trả thưởng cho đại lý tổ chức.
3, Nhận định và khuyến nghị
Như vậy, có thể thấy quan điểm của Tổng cục Thuế là chỉ được chi thưởng, hỗ trợ cho đối tượng có hợp đồng trực tiếp – không được chi cho đại lý cấp 2 hay nhân viên của đại lý (các đối tượng này chỉ có giao dịch dân sự với đại lý cấp 1 chứ không phải doanh nghiệp thực hiện chi).
Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, hướng dẫn này có phần cứng nhắc và không phù hợp với thực tiễn kinh doanh. Trên thực tế, việc chi trả trực tiếp cho đại lý cấp 2/nhân viên đại lý trực tiếp sẽ giúp các đối tượng này thấy rõ lợi ích cụ thể của việc bán một sản phẩm nhất định (không bị hòa chung vào lương hay thu nhập khác), từ đó có động lực rõ ràng để bán sản phẩm có thưởng/hỗ trợ. Đồng thời, việc này cũng giúp doanh nghiệp chi trả thưởng/hỗ trợ một cách hiệu quả, tránh việc chi qua đại lý có thể bị sai đối tượng, thiếu số tiền,...
Bên cạnh đó, trường hợp không cho chi trực tiếp, doanh nghiệp có thể chi thông qua đại lý cấp 1. Cụ thể, doanh nghiệp có thể trả tiền cho đại lý cấp 1 và chỉ định phải chi cho đối tượng cụ thể. Do đó, hướng dẫn của cơ quan thuế không những không có tác động đến khoản chi mà còn tạo thêm phiền toái không đáng có cho doanh nghiệp.
Liên quan đến việc này, Cục thuế TP.Hà Nội từng có một số hướng dẫn khá phù hợp:
- Công văn 7285/CT-TTHT ngày 23/2/2018: “Trường hợp Công ty có chính sách hỗ trợ bằng tiền cho Nhà phân phối (mua hàng trực tiếp của Công ty). và Đại lý cấp 1 (mua hàng thông qua nhà phân phối) nhằm hỗ trợ phát triển và mở rộng thị trường sản phẩm (không thuộc trường hợp nhận tiền để thực hiện dịch vụ cho Công ty) thì khi Nhà phân phối và Đại lý nhận được khoản tiền hỗ trợ của Công ty thì lập chứng từ thu theo quy định. Công ty căn cứ mục đích chi để lập chứng từ chi tiền cho khoản hỗ trợ này. Các khoản chi nói trên Công ty. được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN nếu đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC nêu trên.”
- Công văn 8099/CT-TTHT ngày 4/3/2019: “Trường hợp Tổng công ty ký hợp đồng với các đại lý bảo hiểm, theo đó có phát sinh. các khoản chi tiền thưởng, tiền hỗ trợ cho người bán hàng để thực hiện chương trình thi đua khuyến khích bán hàng nhằm thúc đẩy kinh doanh dịch vụ; các khoản chi này chi trực tiếp cho người bán hàng hoặc chi thông qua các đại lý thì Tổng công ty. được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính nêu trên.”
Mặc dù có các công văn nêu trên của Cục thuế TP.Hà Nội, trong bối cảnh cơ quan cấp trên là Tổng cục Thuế đã có công văn hướng dẫn như đã nêu tại mục 1, các doanh nghiệp không nên tiếp tục thực hiện việc cho thưởng/hỗ trợ cho các đối tượng không kí hợp đồng/thỏa thuận trực tiếp với doanh nghiệp mình (nhân viên của đại lý/đại lý cấp 2, 3,…). Các phương án sau có thể xem xét đến để xử lý tình huống này:- Phương án 1: Chi thưởng/hỗ trợ cho đại lý kèm điều kiện đại lý phải sử dụng số tiền này để chi cho đại lý cấp dưới/nhân viên đại lý với các quy định về hồ sơ, chứng từ cụ thể để đảm bảo việc chi được đúng và đủ (chứng từ thanh toán, bảng kê có chữ ký xác nhận,…). Phương án này có ưu điểm là chi trả đơn giản nhưng nhược điểm là thủ tục kiểm soát phức tạp.- Phương án 2: Kí thêm hợp đồng trực tiếp với đối tượng được chi hoặc kí hợp đồng 3 bên (doanh nghiệp sản xuất, đại lý cấp 1, đối tượng được chi) quy định về hoạt động giới thiệu, tiếp thị cho sản phẩm để nhận được phí dịch vụ/thù lao. Phương án này có ưu điểm là đảm bảo chi đúng, đủ nhưng nhược điểm là cần kí số lượng hợp đồng lớn.{alertWarning}
Ảnh: freepik - prostooleh