Áp dụng tỉ giá nào để quy đổi doanh thu tính thuế nhà thầu?

Câu hỏi: 


Trường hợp công ty tôi nộp thay thuế cho nhà thầu nước ngoài thì áp dụng tỉ giá để quy đổi tiền thuế sang đồng Việt Nam (VNĐ) như thế nào?

Trả lời:

1, Kể từ ngày có hiệu lực Thông tư 80/2021/TT-BTC

Tại Điều 4 Thông tư số 80/2021/TT-BTC quy định:

“Điều 4. Đồng tiền khai thuế, nộp thuế bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi và tỷ giá giao dịch thực tế
2. Tỷ giá giao dịch thực tế được thực hiện theo quy định pháp luật về kế toán.”

🚨Lưu ý: So với quy định cũ tại khoản 4 Điều 2 Thông tư số 26/2015/TT-BTC, quy định nêu trên đã bỏ 2 trường hợp được quy định riêng là doanh thu và chi phí. Theo đó, toàn bộ việc xác định tỉ giá sẽ thực hiện thống nhất theo Thông tư 200/2014/TT-BTC.

Tại Điểm 1.3 khoản 1 Điều 69 Thông tư số 200/2014/TT-BTC (được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Thông tư số 53/2016/TT-BTC) quy định về nguyên tắc xác định tỷ giá như sau:

“a) Tỷ giá giao dịch thực tế đối với các giao dịch bằng ngoại tệ phát sinh trong kỳ:
- Tỷ giá giao dịch thực tế khi mua bán ngoại tệ (hợp đồng mua bán ngoại tệ giao ngay, hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn, hợp đồng hoán đổi): Là tỷ giá ký kết trong hợp đồng mua, bán ngoại tệ giữa doanh nghiệp và ngân hàng thương mại;
- Trường hợp hợp đồng không quy định cụ thể tỷ giá thanh toán:
+ Doanh nghiệp ghi sổ kế toán theo tỷ giá giao dịch thực tế: Khi ghi nhận khoản vốn góp hoặc nhận vốn góp là tỷ giá mua ngoại tệ của ngân hàng nơi doanh nghiệp mở tài khoản để nhận vốn của nhà đầu tư tại ngày góp vốn; Khi ghi nhận nợ phải thu là tỷ giá mua của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp chỉ định khách hàng thanh toán tại thời điểm giao dịch; Khi ghi nhận nợ phải trả tỷ giá bán của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp dự kiến giao dịch tại thời điểm giao dịch; Khi ghi nhận các giao dịch mua sắm tài sản hoặc các khoản chi phí được thanh toán ngay bằng ngoại tệ (không qua các tài khoản phải trả) là tỷ giá mua của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thực hiện thanh toán.
+ Ngoài tỷ giá giao dịch thực tế nêu trên, doanh nghiệp có thể lựa chọn tỷ giá giao dịch thực tế là tỷ giá xấp xỉ với tỷ giá mua bán chuyển khoản trung bình của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thường xuyên có giao dịch. Tỷ giá xấp xỉ phải đảm bảo chênh lệch không vượt quá +/- 1% so với tỷ giá mua bán chuyển khoản trung bình. Tỷ giá mua bán chuyển khoản trung bình được xác định hàng ngày hoặc hàng tuần hoặc hàng tháng trên cơ sở trung bình cộng giữa tỷ giá mua và tỷ giá bán chuyển khoản hàng ngày của ngân hàng thương mại.”

👉 Như vậy, tại TT 200 quy định ưu tiên xác định tỉ giá giao dịch thực tế theo hợp đồng mua bán ngoại tệ giữa doanh nghiệp và NHTM, trường hợp không có tỷ giá theo hợp đồng mới áp dụng tỷ giá khác.

TÓM LẠI: Trường hợp nhà thầu nước ngoài nhận được doanh thu bằng ngoại tệ, về nguyên tắc thuế nhà thầu sẽ được quy đổi ra VND theo tỉ giá giao dịch thực tế đối với doanh thu. Tuy nhiên, nhà thầu đã nhận thẳng doanh thu bằng ngoại tệ nên không có hợp đồng mua bán ngoại tệ với ngân hàng; đồng thời, TT 200 không có quy định cụ thể tỉ giá áp dụng đối với doanh thu. Do đó, sẽ phải vận dụng theo các loại tỉ giá được hướng dẫn cụ thể khác.{alertInfo}

Vấn đề này được Tổng cục Thuế làm rõ trong Công văn 4666/TCT-CS ngày 23/10/2023 như sau:

"Tổng cục Thuế nhận được công văn số 576/CT-QLT1 ngày 22/3/2023 của Cục thuế doanh nghiệp lớn về việc xác định tỷ giá nộp thuế nhà thầu, trên cơ sở tổng hợp ý kiến các đơn vị, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
Căn cứ quy định tại điểm 13 khoản 1 Điều 69 Thông tư số 200/2014/TT-BTC (được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Thông tư số 53/2016/TT-BTC), cho mục đích ghi sổ kế toán, lập và trình bày báo cáo tài chính thì doanh nghiệp cần xác định trường hợp nộp thay thuế cho nhà thầu nước ngoài là giá trị hợp đồng đã bao gồm thuế hay chưa để xác định tỷ giá hạch toán cho phù hợp:
- Đối với trường hợp mà theo hợp đồng thuế nhà thầu nước ngoài là khoản nợ phải thu của doanh nghiệp tại Việt Nam thì tỷ giá giao dịch thực tế là tỷ giá mua của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp chỉ định khách hàng thanh toán tại thời điểm giao dịch;
- Đối với trường hợp mà theo hợp đồng thuế nhà thầu nước ngoài được tính vào giá trị tài sản hoặc các khoản chi phí mua từ nhà thầu nước ngoài mà chưa thanh toán ngay thì tỷ giá giao dịch thực tế là tỷ giá bán của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp dự kiến giao dịch tại thời điểm giao dịch;
- Đối với trường hợp mà theo hợp đồng thuế nhà thầu nước ngoài được tính vào giá trị tài sản hoặc các khoản chi phí mua từ nhà thầu nước ngoài được thanh toán ngay bằng ngoại tệ thì tỷ giá giao dịch thực tế là tỷ giá mua của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thực hiện thanh toán.
Người nộp thuế thực hiện kê khai điều chỉnh theo đúng quy định tại Điều 47 Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính."

2, Trước ngày có hiệu lực Thông tư 80/2021/TT-BTC

Tại Khoản 4 Điều 2 Thông tư số 26/2015/TT-BTC quy định:

“Điều 27. Đồng tiền nộp thuế và xác định doanh thu, chi phí, giá tính thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước.
1. Người nộp thuế thực hiện nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước bằng đồng Việt Nam, trừ trường hợp được nộp thuế bằng ngoại tệ theo quy định của pháp luật.
...3. Trường hợp phát sinh doanh thu, chi phí, giá tính thuế bằng ngoại tệ thì phải quy đổi ngoại tệ ra đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22 tháng 12 năm 2014 hướng dẫn về chế độ kế toán doanh nghiệp như sau:
- Tỷ giá giao dịch thực tế để hạch toán doanh thu là tỷ giá mua vào của Ngân hàng thương mại nơi người nộp thuế mở tài khoản.
- Tỷ giá giao dịch thực tế để hạch toán chi phí là tỷ giá bán ra của Ngân hàng thương mại nơi người nộp thuế mở tài khoản tại thời điểm phát sinh giao dịch thanh toán ngoại tệ.
- Các trường hợp cụ thể khác thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22 tháng 12 năm 2014.”

👉 Theo quy định trên, đối với doanh thu nhà thầu nhận được phải quy đổi theo tỷ giá mua của NHTM nơi NNT mở tài khoản. Tuy nhiên, thực tế, rất ít nhà thầu nước ngoài mở tài khoản tại các NHTM trong nước.

Tại Công văn 3720/TCT-CS ngày 01/10/2018, Tổng cục Thuế hướng dẫn rõ hơn về vấn đề này như sau:

“Hiện nay, tại các văn bản QPPL về thuế chưa có quy định về việc quy đổi tỷ giá đối với trường hợp Nhà thầu nước ngoài không mở tài khoản ngân hàng tại Ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Căn cứ theo quy định tại Khoản 4 Điều 2 Thông tư số 26/2015/TT-BTC quy định:
Như vậy, căn cứ theo quy định nêu trên thì việc hạch toán doanh thu căn cứ theo tỷ giá mua vào và hạch toán chi phí căn cứ theo tỷ giá bán ra của Ngân hàng thương mại nơi Người nộp thuế mở tài khoản.
Trường hợp các Nhà thầu nước ngoài khi có phát sinh thực hiện nghĩa vụ thuế tại Việt Nam, đây là nghĩa vụ thuế của Nhà Thầu nước ngoài, Bên Việt Nam chỉ là người nộp thay cho Nhà thầu nước ngoài. Nếu Nhà thầu nước ngoài không mở tài khoản tại Ngân hàng Thương mại tại Việt Nam thì vận dụng tài khoản của Bên Việt Nam - là đơn vị khai và nộp thuế thay cho Nhà thầu nước ngoài.

👉 Như vậy, đối với doanh thu nhà thầu không mở tài khoản tại Việt Nam nhận được thì sẽ vận dụng tỷ giá của NHTM nơi bên Việt Nam mở tài khoản. Tuy nhiên, TCT chưa hướng dẫn áp dụng tỷ giá mua hay tỷ giá bán. Vấn đề này được Cục Thuế TP.Hà Nội làm rõ bằng 2 công văn dưới đây.

Trước đó, tại Công văn 2935/TCT-CS ngày 3/7/2017, Tổng cục Thuế hướng dẫn áp dụng tỉ giá trung tâm do NHNN công bố để quy đổi khi tính thuế nhà thầu. Tuy nhiên, tại Công văn 3720/TCT-CS nêu trên, Tổng cục Thuế đã làm rõ Công văn 2935/TCT-CS chỉ hướng dẫn cho trường hợp đặc thù là nhà thầu được nhà tài trợ vốn ODA thanh toán trực tiếp (không thông qua chủ đầu tư tại Việt Nam).{alertWarning}

Tại Công văn 48097/CT-TTHT ngày 10/7/2018, Cục Thuế Hà Nội hướng dẫn:

“- Căn cứ công văn số 2586/TCT-CS ngày 28/6/2018 của Tổng cục Thuế về việc tỷ giá tính thuế nhà thầu.
Căn cứ hướng dẫn trên và nội dung trình bày của đơn vị:
- Từ ngày 01/01/2015, trường hợp Nhà thầu nước ngoài có tài khoản mở tại Ngân hàng thương mại (NHTM) tại Việt Nam phát sinh doanh thu bằng ngoại tệ thì phải quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá mua vào của NHTM nơi Nhà thầu nước ngoài mở tài khoản tại thời điểm phát sinh giao dịch thanh toán.
- Trường hợp Nhà thầu nước ngoài không mở tài khoản tại Ngân hàng thương mại ở Việt Nam nhưng nhận được doanh thu bằng ngoại tệ (đô la Mỹ) do Bên Việt Nam thanh toán cho nhà thầu nước ngoài thông qua tài khoản mở tại ngân hàng thương mại tại Việt Nam của Bên Việt Nam thì áp dụng tỷ giá bán ra của ngân hàng thương mại nơi Bên Việt Nam mở tài khoản để quy đổi doanh thu tính thuế của Nhà thầu nước ngoài từ đô la Mỹ sang đồng Việt Nam theo quy định.
Đối với doanh thu quy đổi từ các ngoại tệ khác ra đồng Việt Nam thì sử dụng tỷ giá tính chéo của Đồng Việt Nam với một số ngoại tệ khác để xác định trị giá tính thuế theo quy định tại Điều 3 Quyết định 2730/QĐ-NHNN nêu trên.”

Tại Công văn 1969/CT-TTHT ngày 15/01/2020, Cục Thuế Hà Nội hướng dẫn:

“Căn cứ các quy định trên, từ ngày 01/01/2015, trường hợp Nhà thầu nước ngoài không mở tài khoản tại Ngân hàng thương mại ở Việt Nam nhưng nhận được doanh thu bằng ngoại tệ (khác đồng đô la Mỹ) do bên Việt Nam thanh toán cho nhà thầu nước ngoài thông qua tài khoản mở tại ngân hàng thương mại tại Việt Nam của bên Việt Nam thì áp dụng tỷ giá bán ra của ngân hàng thương mại nơi bên Việt Nam mở tài khoản tại thời điểm phát sinh giao dịch thanh toán ngoại tệ để quy đổi doanh thu tính thuế của Nhà thầu nước ngoài từ ngoại tệ sang đồng Việt Nam theo quy định.
Trường hợp ngoại tệ thanh toán là ngoại tệ không có tỷ giá trực tiếp với đồng Việt Nam thì sử dụng tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam với một số ngoại tệ khác để xác định trị giá tính thuế theo quy định tại Điều 3 Quyết định số 2730/QĐ-NHNN nêu trên.”

Tại Quyết định số 2730/QĐ-NHNN ngày 31/12/2015 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (hiệu lực từ 04/01/2016) quy định:
+ Tại Điều 1 quy định:
“Điều 1. Hàng ngày, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Ngân hàng Nhà nước) công bố tỷ giá trung tâm của Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ trên trang thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước”
+ Tại Điều 3 quy định:
“Điều 3. Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá tính chéo của Đồng Việt Nam với một số ngoại tệ khác để xác định trị giá tính thuế trên trang thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước vào các ngày thứ năm hàng tuần hoặc ngày làm việc liền trước ngày thứ năm trong trường hợp ngày thứ năm là ngày lễ, ngày nghỉ.”

Căn cứ các quy định và hướng dẫn nêu trên:

- Trường hợp NTNN mở tài khoản tại NHTM tại Việt Nam: sử dụng tỷ giá mua vào của NHTM nơi NTNN mở tài khoản tại thời điểm phát sinh giao dịch thanh toán.

- Trường hợp NTNN không có tài khoản mở tại NHTM tại Việt Nam: sử dụng tỷ giá bán ra của ngân hàng thương mại nơi bên Việt Nam mở tài khoản tại thời điểm phát sinh giao dịch thanh toán; trường hợp ngoại tệ thanh toán là ngoại tệ không có tỷ giá trực tiếp với đồng Việt Nam thì sử dụng tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam với một số ngoại tệ khác để xác định trị giá tính thuế theo quy định tại Điều 3 Quyết định số 2730/QĐ-NHNN nêu trên.


1 Nhận xét

  1. Em muốn hỏi thêm trường hợp NTNN không có tài khoản mở tại NHTM tại Việt Nam: “sử dụng tỷ giá bán ra của ngân hàng thương mại nơi bên Việt Nam mở tài khoản tại thời điểm phát sinh giao dịch thanh toán”. Nếu trường hợp không cty không có ngoại tệ thời điểm thanh toán cho NTNN phải đi mua ngoại tệ để thanh toán thì tỷ giá tính thuế nhà thầu sẽ lấy theo tỷ giá bán như trên. Trường hợp công ty có sẵn ngoại tệ trong tài khoản do đã mua ngoại tệ từ trước thì tỷ giá tính thuế nhà thầu cũng sẽ lấy theo tỷ giá bán của Ngân hàng tại thời điểm thanh toán cho NTNN chứ không lấy theo tỷ giá ghi nhận ban đầu lúc mua ngoại tệ vào phải không ạ. Em cảm ơn anh chị.

    Trả lờiXóa
Mới hơn Cũ hơn

Bài viết chỉ chứa đựng thông tin chung và nhằm mục đích tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn cho trường hợp cụ thể của người đọc. Vui lòng cân nhắc kĩ càng trước khi sử dụng để đưa ra các quyết định.