Thu phí khách hàng sử dụng phần mềm có chịu thuế GTGT không?

Câu hỏi: Công ty chúng tôi phát triển một phần mềm để cung cấp cho khách hàng sử dụng và thu phí của khách hàng. Khách hàng chỉ có quyền truy cập để sử dụng phần mềm mà không được sở hữu phần mềm (không được chuyển giao mã nguồn). Vậy hoạt động này của chúng tôi có chịu thuế GTGT không?

Trả lời:

1, Hướng dẫn thực hiện

Bán sản phẩm phần mềm thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Do đó, để xác định được hoạt động  phí quyền sử dụng phần mềm có chịu thuế GTGT không, cần đánh giá xem nó là bán sản phẩm phần mềm hay hoạt động gì khác?

Theo quy định của Bộ TTTT (xem dưới đây), sản phẩm phần mềm có thể được chuyển giao theo cách trọn gói sản phẩm hoặc quyền sử dụng sản phẩm dưới dạng cho thuê. 

Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành (xem dưới đây), chương trình máy tính là một loại tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả. Một trong những quyền tác giả là quyền cho thuê bản gốc hoặc bản sao chương trình máy tính. Quyền tác giả có chuyển giao thông qua chuyển nhượng quyền tác giả hoặc chuyển quyền sử dụng quyền tác giả.

Như vậy, có thể hiểu bán sản phẩm phần mềm là chuyển giao trọn gói sản phẩm phần mềm gắn với chuyển nhượng quyền tác giả. Các trường hợp cấp quyền sử dụng phần mềm đóng gói (sản phẩm phần mềm hoàn chỉnh, được đăng ký thương hiệu và nhân bản hàng loạt để cung cấp ra thị trường) để thu phí mà không gắn với chuyển nhượng quyền tác giả thì không phải bán phần mềm mà chỉ là cho thuê phần mềm.

Cho thuê phần mềm không phải là dịch vụ phần mềm quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 71/2007/NĐ-CP, do đó chịu thuế GTGT 10%. Tổng cục Thuế và Cục thuế TP.Hà Nội đã đã có các công văn hướng dẫn tính thuế 10% đối với hoạt động này (xem dưới đây).
 

2, Văn bản quy định, hướng dẫn

Tại Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi năm 2022) do Quốc hội ban hành quy định:

"Điều 14. Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả
1. Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm:
...m) Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.
Điều 18. Quyền tác giả
Quyền tác giả đối với tác phẩm quy định tại Luật này bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản.
Điều 20. Quyền tài sản
1. Quyền tài sản bao gồm:
...e) Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính, trừ trường hợp chương trình máy tính đó không phải là đối tượng chính của việc cho thuê."

Tại Điều 3 Thông tư 13/2020/TT-BTTTT ngày 03/7/2020 của Bộ Thông tin & Truyền thông quy định:

"Điều 3. Quy trình sản xuất sản phẩm phần mềm
...6. Cài đặt, chuyển giao, hướng dẫn sử dụng, bảo trì, bảo hành sản phẩm phần mềm bao gồm một hoặc nhiều tác nghiệp như: chuyển giao (trọn gói sản phẩm hoặc quyền sử dụng sản phẩm dưới dạng cho thuê); hướng dẫn cài đặt sản phẩm phần mềm (trường hợp chuyển giao sản phẩm trọn gói); [...].
7. Phát hành, phân phối sản phẩm phần mềm, bao gồm một hoặc nhiều tác nghiệp như bán, cho thuê, phân phối, phát hành sản phẩm phần mềm tự sản xuất."

Tại Công văn số 371/TCT-DNL ngày 25/01/2018, Tổng cục Thuế hướng dẫn:

“1. Về thuế GTGT đối với hoạt động bán, cho thuê phần mềm máy tính:
- Trường hợp Viettel bán các sản phẩm phần mềm và dịch vụ phần mềm theo quy định tại Điều 3 và Điều 9 Nghị định số 71/2007/NĐ-CP ngày 03/05/2007 của Chính phủ, nếu các sản phẩm phần mềm và dịch vụ phần mềm này là phần mềm máy tính theo quy định của pháp luật thì thuộc đối tượng không chịu thuế
- Trường hợp Viettel cho thuê phần mềm máy tính không phải là dịch vụ phần mềm theo quy định tại Khoản 3 Điều 9 Nghị định số 71/2007/ND-CP thì hoạt động cho thuê phần mềm máy tính thuộc đối tượng chịu thuế GTGT thuế suất 10%.

Tại Công văn 430/CT-TTHT ngày 16/01/2017, Cục thuế TP HCM hướng dẫn:

“Trường hợp Công ty theo trình bày có ký hợp đồng thuê quyền sử dụng phần mềm quản lý kế toán và hệ thống lưu trữ dữ liệu với Công ty nước ngoài (Singapore) thì khi Công ty chi trả tiền phí bản quyền cho bên nước ngoài theo đúng quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, Công ty phải thực hiện khấu trừ, kê khai và nộp thuế thay cho nhà thầu nước ngoài như sau:
- Thuế GTGT: Phần mềm thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT
- Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN): Doanh thu tính thuế TNDN x 10%”

Tại Công văn 10684/CT-TTHT ngày 20/3/2018, Cục thuế TP Hà Nội hướng dẫn:

“Căn cứ các quy định trên, do đơn vị không cung cấp hồ sơ cụ thể, Cục Thuế TP Hà Nội trả lời nguyên tắc như sau:
- Trường hợp Công ty bán các sản phẩm phần mềm và dịch vụ phần mềm theo quy định tại Điều 3 và Điều 9 Nghị định 71/2007/NĐ-CP ngày 03/5/2007 của Chính phủ nêu trên, nếu các sản phẩm phần mềm và dịch vụ phần mềm là phần mềm máy tính theo quy định của pháp luật thì thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
- Trường hợp Công ty cho thuê bản quyền phần mềm máy tính không phải là dịch vụ phần mềm theo quy định tại Khoản 3 Điều 9 Nghị định 71/2007/NĐ-CP ngày 03/5/2007 của Chính phủ thì hoạt động này thuộc đối tượng chịu thuế GTGT thuế suất 10%.

Tại Công văn số 66600/CT-TTHT ngày 02/10/2018, Cục thuế TP Hà Nội hướng dẫn:

“Căn cứ các quy định trên, trường hợp Công ty có hoạt động sản xuất và cung cấp sản phẩm phần mềm Cổng thông tin giáo dục điện tử Edu Infor thuộc danh mục sản phẩm phần mềm theo Thông tư số 09/2013/TT-BTTTT ngày 08/04/2013 của Bộ Thông tin và truyền thông, để cung cấp cho các Trường học và thu phí sử dụng phần mềm cố định trên một tài khoản học sinh một tháng thì được coi là doanh thu từ hoạt động cho thuê phần mềm thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 10%.”

Tại Công văn 78931/CT-TTHT ngày 26/8/2020, Cục thuế TP Hà Nội hướng dẫn:

“Căn cứ các quy định trên, trường hợp Công ty mua quyền truy cập trang web của nhà thầu nước ngoài (để phân tích chi tiết dữ liệu về máy và quản lý online máy) và bán lại quyền truy cập này cho các khách hàng trong nước thì:
... - Trường hợp quyền truy cập là dịch vụ phần mềm theo quy định tại Nghị định số 71/2007/NĐ-CP thì thu nhập nhà thầu nước ngoài nhận được do cung cấp quyền truy cập là thu nhập từ tiền bản quyền theo quy định tại Khoản 3 Điều 7 Thông tư số 103/2014/TT-BTC, tỷ lệ (%) thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế là 10% và không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT.
- Trường hợp quyền truy cập không phải là dịch vụ phần mềm theo quy định tại Nghị định số 71/2007/NĐ-CP thì thu nhập nhà thầu nước ngoài nhận được do cung cấp quyền truy cập là thu nhập từ dịch Vụ, tỷ lệ (%) thuế TNDN là 5%, thuế GTGT là 5% tính trên doanh thu.”

Tại Công văn 42786/CTHN-TTHT ngày 30/8/2022, Cục thuế TP Hà Nội hướng dẫn:

“+ Về thuế GTGT: Thu nhập nhà thầu nước ngoài nhận được do cung cấp quyền sử dụng các tiện ích trên nền tảng công nghệ có sẵn nếu không phải là dịch vụ phần mềm theo quy định tại 71/2007/NĐ-CP ngày 03/05/2007 của Chính phủ và không phải là chuyển giao công nghệ theo quy định tại luật chuyển giao công nghệ thì thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, Tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu đối với dịch vụ là 5%.”

Tại Công văn 4035/CTHN-TTHT ngày 07/2/2022, Cục thuế TP Hà Nội hướng dẫn:

“Cục Thuế TP Hà Nội nhận được Công văn số 134/2022/CV-SUNASTERISKVN ghi ngày 27/12/2022 của Công ty TNHH Sun Asterisk Việt Nam (sau đây gọi tắt là Công ty) đề nghị hướng dẫn về việc chính sách thuế đối với hoạt động mua gói tài khoản Slack, Github trên nền tảng công nghệ, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:
...+ Về thuế GTGT: Thu nhập phát sinh tại Việt Nam của nhà thầu nước ngoài nhận được do cung cấp quyền sử dụng các tiện ích trên nền tảng công nghệ có sẵn nếu không phải là dịch vụ phần mềm theo quy định tại Nghị định số 71/2007/NĐ-CP ngày 03/5/2007 của Chính phủ, không phải là chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ theo các quy định của pháp luật thì thuộc đối tượng chịu thuế GTGT; tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu đối với dịch vụ là 5%.”

Tại Công văn số 21/CTLAN-TTHT ngày 03/01/2023, Cục thuế tỉnh Long An hướng dẫn:

“Trường hợp Công ty có dịch vụ cho thuê phần mềm quản lý không phải là dịch vụ phần mềm theo quy định tại Khoản 3 Điều 9 Nghị định 71/2007/NĐ-CP ngày 03/5/2007 của Chính phủ thì hoạt động này thuộc đối tượng chịu thuế GTGT thuế suất 10%.”

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

Bài viết chỉ chứa đựng thông tin chung và nhằm mục đích tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn cho trường hợp cụ thể của người đọc. Vui lòng cân nhắc kĩ càng trước khi sử dụng để đưa ra các quyết định.