Nếu như trước đây, khi dùng dịch vụ quảng cáo của Google, Facebook, doanh nghiệp phải kê khai nộp thuế thay cho các công ty này thì hiện tại không còn phải thực hiện thao tác này.
1, Quy định pháp luật liên quan
Tại khoản 1 Điều 81 Thông tư 80/2021/TT-BTC quy định về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân ở Việt Nam có liên quan trong trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ của nhà cung cấp ở nước ngoài:
“1. Tổ chức được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam, tổ chức đăng ký hoạt động theo pháp luật Việt Nam mua hàng hóa, dịch vụ của nhà cung cấp ở nước ngoài hoặc thực hiện phân phối hàng hóa, cung cấp dịch vụ thay cho nhà cung cấp ở nước ngoài mà nhà cung cấp ở nước ngoài không thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định tại Điều 76, Điều 77, Điều 78, Điều 79 Thông tư này thì tổ chức mua hàng hóa, dịch vụ hoặc phân phối hàng hóa, dịch vụ thay cho nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ kê khai, khấu trừ và nộp thuế thay cho nhà cung cấp ở nước ngoài số thuế phải nộp theo quy định tại Thông tư số 103/2014/TT-BTC ngày 06/08/2014 của Bộ Tài chính...”
Như vậy, người mua chỉ phải thực hiện quy định của Thông tư 103/2014/TT-BTC khi nhà cung cấp ở nước ngoài (NCCNN) không thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam.{alertInfo}
Tại Công văn số 42536/CTHN-TTHT ngày 29/8/2022, Cục thuế Hà Nội cũng làm rõ nội dung này:
“Trường hợp Facebook - nhà cung cấp ở nước ngoài đã thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế trực tiếp tại Việt Nam theo quy định tại Điều 76, Điều 77, Điều 78, Điều 79 Thông tư số 80/2021/TT-BTC thì tổ chức mua dịch vụ của nhà cung cấp ở nước ngoài (Công ty cổ phần VCCORP) không phải thực hiện kê khai, khấu trừ và nộp thuế thay cho nhà cung cấp ở nước ngoài.”
2, Danh sách Nhà cung cấp nước ngoài đăng ký thuế tại Việt Nam
Ngày 19/11/2022, Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) đã ban hành Thông báo số 357/TB-DNL về việc công bố danh sách các Nhà cung cấp nước ngoài đăng ký thuế tại Việt Nam.
Theo đó, nhiều NCCNN phổ biến đã thực hiện đăng ký thuế để nộp thuế tại Việt Nam bao gồm: Microsoft, Netflix, Tiktok, Klook, Traveloka, Spotify, Meta, Facebook Payments, Google,…
Doanh nghiệp có thể cập nhật Danh sách NCCNN được cập nhật trên trang:
3, Thuế GTGT và Thuế TNDN
3.1, Thuế TNDN
Tại Công văn số 3115/TCT-CS ngày 19/7/2024, Tổng cục Thuế hướng dẫn:
3. Về xác định chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp:Trường hợp doanh nghiệp tại Việt Nam nhận được hóa đơn, chứng từ từ nhà cung cấp nước ngoài TikTok Pte. Ltd cho các dịch vụ liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mang tên, địa chỉ, mã số thuế của doanh nghiệp và đáp ứng các điều kiện thanh toán tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN (bao gồm cả khoản tiền đã trả mà nhà cung cấp nước ngoài xác định là thuế GTGT được thể hiện trên hóa đơn, chứng từ của nhà cung cấp nước ngoài xuất cho doanh nghiệp Việt Nam).
👉 TCT không yêu cầu phải sử dụng hoá đơn theo quy định của Việt Nam để ghi nhận chi phí. Trên thực tế, đối với các chi phí phát sinh tại nước ngoài (như đi lại, khách sạn khi đi công tác tại nước ngoài) đều chỉ cần hoá đơn theo quy định của nước sở tại.
👉 Theo đó, doanh nghiệp có thể sử dụng hoá đơn, chứng từ do NCCNN lập để ghi nhận chi phí. Tuy nhiên, hoá đơn, chứng từ đó phải thể hiện rõ tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua. Số tiền ghi nhận chi phí bao gồm cả thuế GTGT trên hoá đơn.
3.2, Thuế GTGT
Tại Công văn 44297/CTHN-TTHT ngày 09/9/2022, Cục thuế Hà Nội hướng dẫn:
“Trường hợp Công ty Meta - nhà cung cấp ở nước ngoài đã thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế trực tiếp tại Việt Nam theo quy định tại Điều 76, Điều 77, Điều 78, Điều 79 Thông tư số 80/2021/TT-BTC thì tổ chức mua dịch vụ của nhà cung cấp ở nước ngoài (Công ty Cổ phần Dịch vụ và Địa ốc Đất Xanh Miền Bắc) không phải thực hiện kê khai, khấu trừ và nộp thuế thay cho nhà cung cấp ở nước ngoài.Về nguyên tắc thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT được khấu trừ toàn bộ nếu đáp ứng các điều kiện khấu trừ thuế GTGT quy định tại Điều 15 Thông tư số 219/2013/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 10 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC, Điều 1 Thông tư số 173/2016/TT-BTC.”
Tại khoản 1 Điều 15 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định:
“Điều 15. Điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào1. Có hóa đơn giá trị gia tăng hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng khâu nhập khẩu hoặc chứng từ nộp thuế GTGT thay cho phía nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Tài chính áp dụng đối với các tổ chức nước ngoài không có tư cách pháp nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài kinh doanh hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam.”
Tại Công văn số 3115/TCT-CS ngày 19/7/2024, Tổng cục Thuế hướng dẫn:
"2. Về kê khai và khấu trừ thuế GTGT:Một trong các điều kiện để được khấu trừ thuế GTGT đầu vào là có hóa đơn GTGT của dịch vụ mua vào hoặc chứng từ nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu hoặc chứng từ nộp thuế GTGT thay cho phía nước ngoài. Theo hóa đơn được đính kèm theo công văn hỏi của nhà cung cấp nước ngoài TikTok Pte. Ltd thì đây không phải là hóa đơn GTGT dành cho tổ chức khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ theo quy định pháp luật về hóa đơn, chứng từ, do đó, không đáp ứng điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo quy định."
Tại Công văn số 296/TCT-CS ngày 24/1/2024, Tổng cục Thuế hướng dẫn:
"- Về việc kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT): Một trong các điều kiện để được khấu trừ thuế GTGT đầu vào là có hóa đơn GTGT của dịch vụ mua vào hoặc chứng từ nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu hoặc chứng từ nộp thuế GTGT thay cho phía nước ngoài. Theo hóa đơn được đính kèm theo công văn hỏi của Công ty, đây là hóa đơn trả trước do Công ty Google Asia Pacific Pte. Ltd (Google) xuất cho Công ty, không phải là hóa đơn GTGT dành cho tổ chức khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ do đó không đáp ứng điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo quy định."
Có thể thấy, NCCNN đã nộp thuế GTGT và đã tính vào số tiền thanh toán mà bên Việt Nam phải trả. Do đó, khoản thuế GTGT đầu vào này nếu sử dụng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT thì phải được khấu trừ để đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, quy định hiện hành về điều kiện khấu trừ chưa đồng bộ với quy định mới NCCNN. NCCNN đã tự khai thuế, nộp thuế rồi thì bên Việt Nam không có chứng từ nộp thay thuế GTGT cho phía nước ngoài nữa. Bên cạnh đó, NCCNN cũng không lập được hóa đơn GTGT theo quy định của Việt Nam. Do đó, người mua sẽ không đáp ứng được điều kiện khấu trừ thuế.
Đây là một bất cập mà Bộ Tài chính cần sớm trình Chính Phủ sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan để xử lý, nhằm đảm bảo thực hiện đầy đủ nguyên tắc khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
Tuy nhiên, trong thời gian văn bản pháp luật chưa được điều chỉnh, doanh nghiệp vẫn được khuyến nghị không khấu trừ thuế GTGT đối với số thuế GTGT mà NCCNN đã nộp (do chưa đáp ứng điều kiện khấu trừ).
Tags:
[FCT]
Cục thuế Hà Nội
Facebook
Google
khuyến nghị
nổi bật
NTNN
Thông tư 103
Thông tư 80/2021
TikTok
Tổng cục Thuế