Chính sách thuế đối với tài trợ hiện vật còn chưa hợp lý!

Vừa qua, Tổng cục Thuế có một số văn bản hướng dẫn về thuế GTGT đối với hàng hoá tài trợ an sinh xã hội. Bài viết này xin được bình luận, trao đổi một số nội dung liên quan đến vấn đề này.

1, Văn bản hướng dẫn của Tổng cục Thuế

Tại Công văn số 4120/TCT-CS ngày 27/10/2021, Tổng cục Thuế hướng dẫn:
Căn cứ vào các hướng dẫn nêu trên, trường hợp Công ty phát sinh các khoản chi tài trợ bằng hiện vật cho bệnh viện dã chiến là vật tư, máy móc, thiết bị mua ngoài thì thuế GTGT đầu vào của các vật tư, máy móc thiết bị này được khấu trừ. Khi bàn giao vật tư, máy móc, thiết bị cho bệnh viện, Công ty thực hiện lập hóa đơn GTGT và kê khai thuế GTGT đầu ra theo giá tính thuế GTGT của sản phẩm cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm phát sinh các hoạt động tài trợ.

Tại Công văn số 1585/TCT-CS ngày 16/5/2022, Tổng cục Thuế hướng dẫn:
Căn cứ các quy định trên, trường hợp các đơn vị thực hiện tài trợ hiện vật cho hoạt động phòng chống dịch Covid-19 thì chính sách thuế GTGT, thuế TNDN áp dụng như sau:
1. Về thuế GTGT:
Trường hợp các đơn vị mua trong nước để tài trợ: Tổng cục Thuế đã có công văn số 4120/TCT-CS ngày 27/10/2021 trả lời Cục thuế tỉnh Bình Dương về thuế GTGT (bản photo kèm theo).
Trường hợp các đơn vị nhập khẩu từ nước ngoài để tài trợ: Hàng hóa của tổ chức, cá nhân nhập khẩu để tài trợ, phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 được áp dụng chính sách thuế GTGT như hàng hóa nhập khẩu trong trường hợp viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại, thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
2. Về thuế TNDN:
... Pháp luật về thuế TNDN không có quy định tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản tiền thuế GTGT không thu được tiền trên hóa đơn tài trợ bằng hiện vật."

Tại Công văn số 447/TCT-CS ngày 16/2/2023, Tổng cục Thuế hướng dẫn:
Căn cứ các quy định nêu trên thì trường hợp Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm bưu điện có các hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, biếu, tặng, tiêu dùng nội bộ thì thuế giá trị gia tăng nộp theo phương pháp khấu trừ không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Như vậy, nội dung của các công văn này đã giải thích rõ hơn quy định của pháp luật. Cụ thể:

a) Thuế GTGT:
a1) Tài trợ hiện vật cho mục đích an sinh xã hội (ví dụ như phòng chống dịch bệnh) được xem là trường hợp sử dụng hàng hoá để cho, biếu, tặng và áp dụng quy định về thuế GTGT tương ứng.
a2) Thuế GTGT đầu ra khi bán hàng hoá cho người mua về để tài trợ:
- Mua trong nước: tính thuế GTGT đầu ra như thông thường
- Nhập khẩu (phục vụ phòng chống Covid): không chịu thuế GTGT  (theo Nghị quyết 106/NQ-CP của Chính phủ)
b) Thuế TNDN: không được ghi nhận vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN đối với thuế GTGT đầu ra phát sinh khi tài trợ (tặng) hiện vật.{alertInfo}




2, Bình luận, trao đổi

Từ nội dung công văn trên, có 02 vấn đề cần phải trao đổi thêm như sau:

Thứ nhất, có sự phân biệt giữa mua trong nước và nhập khẩu đối với thuế GTGT hàng hóa bán cho doanh nghiệp trong nước để tài trợ phòng chống dịch bệnh. Cụ thể, nếu nhập khẩu thì không chịu thuế, nếu mua trong nước thì phải chịu thuế. Điều này chưa đảm bảo công bằng về thuế; do đó về lâu dài nên bổ sung quy định về thuế GTGT theo hướng hàng hóa mua trong nước tài trợ không chỉ cho phòng chống dịch bệnh mà còn cho các mục đích nhân đạo nói chung (ví dụ khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố) tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật (ví dụ Nghị định 93/2021/NĐ-CP) được áp dụng giá tính thuế bằng 0.

Thứ hai, việc không cho doanh nghiệp tính vào chi phí được trừ với thuế GTGT đầu ra khi đem đi tài trợ là chưa hợp lý ở một số khía cạnh sau:

Một là, thông thường, khi bán hàng hóa, người mua sẽ chịu thuế GTGT đầu ra thông qua việc trả tiền mua hàng bao gồm cả thuế. Tuy nhiên, đối với hàng hóa tài trợ thì người nhận tài trợ không trả tiền, do đó doanh nghiệp phải tự bỏ tiền để “nộp thay” cho người nhận thuế GTGT đầu ra. Do đó, cơ quan thuế không thể nghĩ đơn giản rằng thuế GTGT đầu ra và đầu vào bù trừ cho nhau nên doanh nghiệp không phải nộp thêm thuế.

Hai là, trong tình huống này, doanh nghiệp tài trợ mới là người tiêu dùng cuối cùng đích thực*, không có người tiêu dùng sau đó nữa để gián thu thuế GTGT. Do đó, không nên tính thêm thuế GTGT ở khâu tài trợ khi mà doanh nghiệp không nhận lại được lợi ích trao đổi gì từ phía nhận tài trợ ở khâu này (không mang tính thương mại).

(*Giả sử hàng hoá mua vào có giá chưa thuế là 100 triệu đồng, thuế GTGT 10 triệu đồng. Khi mua hàng, hạch toán Nợ TK 156 (100tr), Nợ TK 1331 (10tr) / Có TK 111, 112 (110tr). Khi tài trợ, hạch toán Nợ TK 641 (110tr) / Có TK 156, Có TK 3331. Như vậy, tổng chi phí DN phải bỏ ra là 110 triệu đồng (gồm cả thuế GTGT) - bằng số tiền người tiêu dùng cuối cùng phải bỏ ra).

Ba là, trong khi hàng hóa khuyến mại được áp dụng giá tính thuế bằng 0 để không phải thuế, hàng hóa tài trợ nhân đạo – một hoạt động cần khuyến khích – lại phải nộp thuế là chưa phù hợp với mục tiêu điều tiết nói chung của đánh thuế.

3, Đề xuất

Để khắc phục các bất cập nêu trên, theo quan điểm của chúng tôi, có thể xử lý theo 1 trong các cách sau:

- Cách 1: Áp dụng giá tính thuế bằng 0 đối với hàng hóa bán cho các doanh nghiệp mua về để tài trợ nhân đạo và hàng hoá mà doanh nghiệp sử dụng để tài trợ nhân đạo (tương tự như hàng hoá khuyến mại). 

- Cách 2: Xếp hàng hóa đem đi tài trợ nhân đạo (phù hợp với quy định pháp luật) vào nhóm không phải kê khai, tính nộp thuế (do không có bản chất thương mại). Thuế GTGT đầu vào khi đó sẽ không được khấu trừ mà tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.


Ảnh: dcstudio

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

Bài viết chỉ chứa đựng thông tin chung và nhằm mục đích tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn cho trường hợp cụ thể của người đọc. Vui lòng cân nhắc kĩ càng trước khi sử dụng để đưa ra các quyết định.