Tính thuế thế nào khi hợp tác kinh doanh với cá nhân?

Câu hỏi: Trường hợp hợp tác kinh doanh với cá nhân thì tổ chức kê khai, nộp thuế GTGT, TNCN như thế nào?

Trả lời:

Quy định của pháp luật:

  • Tại điểm c khoản 5 Điều 7 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế quy định về việc khai thuế, nộp thuế đối với trường hợp tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân;
  • Tại Điều 2 Thông tư số 40/2021/TT-BTC ngày 01/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về đối tượng áp dụng Thông tư;
  • Tại Điều 8, Điều 10 và Điều 16 Thông tư số 40/2021/TT-BTC quy định về phương pháp tính thuế đối với trường hợp tổ chức, cá nhân khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân; căn cứ tính thuế; quản lý thuế đối với tổ chức, cá nhân khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân.
  • Công văn số 1805/TCT-DNL ngày 27/5/2022 của Tổng cục Thuế:
“Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp VTP ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với cá nhân thì VTP có trách nhiệm khai thuế giá trị gia tăng đối với toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật về thuế và quản lý thuế của tổ chức mà không phân biệt hình thức phân chia kết quả hợp tác kinh doanh, đồng thời khai thay và nộp thuế thay thuế thu nhập cá nhân cho cá nhân hợp tác kinh doanh.
Trường hợp VTP ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với cá nhân kinh doanh theo quy định tại khoản 5 Điều 51 Luật Quản lý thuế, mà cá nhân có ngành nghề đang hoạt động cùng với ngành nghề hợp tác kinh doanh với VTP thì VTP và cá nhân tự thực hiện khai thuế tương ứng với kết quả thực tế hợp tác kinh doanh theo quy định.”

Kết luận:

Tổng hợp các quy định tại NĐ 126 và TT 40, chúng tôi xin tóm tắt quy định về khai và nộp thuế đối với tổ chức ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với cá nhân:
  • Trường hợp cá nhân là hộ kinh doanh (HKD), cá nhân kinh doanh (CNKD) theo quy định tại khoản 5 Điều 51 Luật Quản lý thuế (tức là HKD, CNKD nộp thuế theo phương pháp kê khai) mà cá nhân có ngành nghề đang hoạt động cùng với ngành nghề hợp tác kinh doanh với tổ chức: tổ chức và cá nhân tự thực hiện khai thuế tương ứng với kết quả thực tế hợp tác kinh doanh theo quy định.
  • Trường hợp khác (Gồm: HKD, CNKD nộp thuế theo (1) từng lần phát sinh hoặc (2) phương pháp khoán hoặc (3) phương pháp kê khai nhưng khác ngành nghề):
    • Cá nhân không trực tiếp khai thuế.
    • Tổ chức thực hiện:
      • GTGT: Khai thuế GTGT đối với toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật về thuế và quản lý thuế của tổ chức mà không phân biệt hình thức phân chia kết quả hợp tác kinh doanh.
      • TNCN: Khai thay và nộp thay thuế TNCN cho cá nhân hợp tác kinh doanh (theo Thông tư 40 thì khi tổ chức đã khai thuế GTGT cho toàn bộ doanh thu thì tỉ lệ tính thuế GTGT đối với cá nhân là 0%).
        • Có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống tại 1 nơi duy nhất: Không phải nộp thuế.
        • Có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống tại nhiều nơi, cá nhân dự kiến hoặc xác định được tổng doanh thu trên 100 triệu đồng/năm: có thể ủy quyền cho các tổ chức chi trả khai thuế thay, nộp thuế thay đối với doanh thu phát sinh tại đơn vị được ủy quyền trong năm tính thuế.
        • Có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên: tỷ lệ thuế TNCN xác định theo từng ngành nghề (hàng hóa: 0,5%; dịch vụ: 2%, sản xuất: 1,5%…)

👉 Lưu ý: Hợp đồng hợp tác kinh doanh thực hiện theo Điều 504 Bộ Luật Dân sự ngày 24/11/2015 (khoản 10 Điều 3 Thông tư 40); không phải là hợp đồng dịch vụ, hợp đồng lao động,…


Bình luận:

Việc thực hiện các quy định nêu trên có thể gặp phải một số vướng mắc sau:

Vấn đề 1: Trên thực tế có thể phát sinh tình huống đầu năm xác định doanh thu trên 100 triệu đồng/năm nhưng đến cuối năm tính lại thì thấy chưa đến 100 triệu đồng/năm và ngược lại. Các tình huống này chưa được quy định cụ thể về cách thức kê khai thuế.

Vấn đề 2: Tại khoản 1 Điều 2 TT 40 quy định “cá nhân kinh doanh” là cá nhân cư trú có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật. TT 40 không quy định về giấy tờ pháp lí (ví dụ đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế) để xác định cá nhân kinh doanh. Các pháp luật khác cũng không quy định việc cá nhân bán hàng hoá/cung ứng dịch vụ đến mức độ nào thì được gọi là kinh doanh. Do đó, doanh nghiệp có thể gặp khó khăn trong xác định một cá nhân có phải là cá nhân kinh doanh hay không. Theo chúng tôi, trong tình huống tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân thì nên xác định toàn bộ cá nhân tham gia hợp tác là cá nhân kinh doanh do đây là môt trường hợp đã được nêu cụ thể tại khoản 1 Điều 2 TT 40



Ảnh: freepik


Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

Bài viết chỉ chứa đựng thông tin chung và nhằm mục đích tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn cho trường hợp cụ thể của người đọc. Vui lòng cân nhắc kĩ càng trước khi sử dụng để đưa ra các quyết định.