Tổng cục Thuế sửa hướng dẫn thuế TNCN về chi COVID-19

Ngày 27/10/2021, Tổng cục Thuế đã công văn chính thức số 4110/TCT-DNNCN hướng dẫn về thuế TNCN đối với một số khoản chi cho người lao động (NLĐ) phát sinh do dịch COVID-19.

1. Tổng cục Thuế thay đổi quan điểm

Theo đó, có thể tóm tắt hướng dẫn của Tổng cục Thuế như sau:

a. Các khoản chi phí áp dụng
- Chi phí cách ly y tế do dịch Covid - 19 ở trong nướctại nước ngoài đối với trường hợp đi công tác tại nước ngoài (chi phí tiền ăn, tiền ở; chi phí xét nghiệm Covid - 19; chi phí đưa đón từ nơi nhập cảnh vào Việt Nam hoặc từ nơi phát hiện đối tượng phải thực hiện cách ly y tế đến cơ sở cách ly y tế; chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly y tế; ...) để thực hiện theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
- Chi phí xét nghiệm Covid - 19 hoặc mua kit xét nghiệm Covid - 19 cho người lao động
- Chi phí mua các thiết bị cho người lao động nhằm bảo vệ người lao động khỏi nguy cơ lây nhiễm trong quá trình làm việc và các chi phí ăn, ở của người lao động ở tại doanh nghiệp hoạt động theo phương án "3 tại chỗ".

b, Xử lí thuế
Các khoản chi phí nêu trên:
- Được tính vào chi phí được trừ khi thuế TNDN và 
- Không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động.

c, Điều kiện
- Phản ánh thực tế phát sinh và 
- Có đầy đủ hóa đơn, chứng từ theo đúng quy định của pháp luật.

Như vậy, có thể thấy quan điểm của Tổng cục Thuế trong vấn đề này đã thay đổi hoàn toàn. Trước đây, theo Công văn số 5032/TCT-CS ngày 26/11/2020, cơ quan này cho rằng NLĐ nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam được chi trả chi phí cách ly tại khách sạn (được xem là chi về tiền nhà trả cho NLĐ) thì phải chịu thuế TNCN; đồng thời hướng dẫn khoản chi phí xét nghiệm COVID-19 là khoản chi có tính chất phúc lợi cho NLĐ.

Điều đáng nói là căn cứ theo hướng dẫn tại Công văn số 5032/TCT-CS của Tổng cục Thuế, các cục thuế địa phương đã hướng dẫn tương tự và mở rộng ra cho các khoản chi khác liên quan đến COVID-19 (chi phí xét nghiệm, chi phí tiêm vắc xin, chi phí ăn uống trong thời gian cách ly, chi phí ăn ở theo "3 tại chỗ",...). Theo đó, trừ chi phí cách ly là chi tiền nhà, các khoản chi khác dù phục vụ cho công tác phòng chống dịch đều được xem là chi có tính chất phúc lợi. Các khoản chi này (bao gồm cả chi phí cách ly) nếu chi riêng cho từng người lao động đều phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của NLĐ (dù có thể thấy ngay rằng khoản chi xét nghiệm (trả kết quả từng người) và chi phí cách ly không thể nào là khoản chi chung cho tập thể NLĐ được).

Một số văn bản hướng dẫn cụ thể của cục thuế địa phương: Công văn 66297/CT-TTHT ngày 16/7/2020 và 31557/CT-TTHT ngày 13/8/2021 của Cục thuế TP.Hà Nội, Công văn 317/CTBNI-TTHT ngày 11/3/2021 và 1883/CTBNI-TTHT ngày 29/6/2021 của Cục thuế tỉnh Bắc Ninh, Công văn 11225/CTBDU-TTHT ngày 6/7/2021 của CT Bình Dương.


2. Có thể thấy gì từ Công văn 4110/TCT-DNNCN?

Nhiều vấn đề pháp lý đáng suy ngẫm từ việc Tổng cục Thuế sửa Công văn số 5032/TCT-CS bằng Công văn số 4110/TCT-DNNCN.

Thứ nhất, pháp luật về thuế TNCN không thay đổi nhưng hướng dẫn thực hiện lại thay đổi. Điều này cho thấy quy định về thuế TNCN từ tiền lương, tiền công còn chưa cụ thể, dẫn tới các cách hiểu và áp dụng chưa thống nhất. Việc ban hành Công văn 5032/TCT-CS cũng cho thấy Tổng cục Thuế áp dụng quy định chặt chẽ quá mức, không xét đến bản chất (theo quy định tại Luật Quản lý thuế) và có thể nói là cứng nhắc. Quy định thiếu rõ ràng và việc cơ quan thuế áp dụng luật một cách máy móc là "điểm trừ" lớn của ngành Thuế, cần sớm được chấm dứt. Đây không chỉ nên là xử lí tình huống trong đại dịch mà ngành Thuế phải triệt để thay đổi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển về lâu dài.

Thứ hai, tại Công văn 4110/TCT-DNNCN, Tổng cục Thuế không hề đưa ra căn cứ cho các hướng dẫn của mình. Điều này tương đối đáng tiếc vì chúng ta không biết Tổng cục Thuế đang áp dụng quy định tại điều, khoản cụ thể nào. Trường hợp khá hiếm hoi này còn cho thấy có thể cơ quan thuế cũng chưa có các căn cứ pháp lý rõ ràng và vững chắc cho ý kiến của mình. Hoặc cũng có thể đơn vị này không muốn định hướng để các doanh nghiệp áp dụng một quy định chung chung cho các trường hợp cụ thể.

Thứ ba, pháp luật cần sớm khoanh vùng cụ thể các "khoản lợi ích khác" chi cho NLĐ phải chịu thuế TNCN. Theo đó, Chính phủ cần quy định rõ không tính các khoản chi của doanh nghiệp liên quan đến bố trí điều kiện làm việc để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh có thể diễn ra bình thường vào thu nhập chịu thuế TNCN. Bên cạnh đó, các khoản chi của doanh nghiệp để thực hiện quy định Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước (không phải do doanh nghiệp tự lựa chọn thực hiện), dù có liên quan đến lợi ích cho NLĐ, đều không chịu thuế TNCN.

3. Vướng mắc chưa được Công văn 4110/TCT-DNNCN giải quyết

Việc ban hành Công văn 4110 là đáng hoan nghênh, tuy nhiên vẫn còn đó các vấn đề chưa được quy định cụ thể.

Thứ nhất, Công văn 4110 sẽ rõ ràng hơn nếu quy định cụ thể các khoản chi phí liên quan đến dịch Covid-19 không phải là chi có tính chất phúc lợi bị giới hạn 01 tháng lương bình quân.

👉Quan điểm của chúng tôi: Trường hợp xem các khoản chi tại Công văn 4110 là chi có tính chất phúc lợi thì sẽ tương đối mâu thuẫn với quy định không tính thuế TNCN. Do đó, chúng tôi hiểu rằng Công văn 4110 ngầm định đây không phải là các khoản chi có tính chất phúc lợi, do đó không bị giới hạn.

Thứ hai, Công văn 4110 mới chỉ hướng dẫn về chi phí phát sinh từ phương án "3 tại chỗ", chưa đề cập tới phương án "2 địa điểm - 1 cung đường" và một số phương án khác phát sinh trong thực tế. 

👉Quan điểm của chúng tôi: 2 phương án "3 tại chỗ" và "2 địa điểm - 1 cung đường" đều có bản chất là giúp duy trì hoạt động kinh doanh liên tục cho doanh nghiệp; do đó cần được đối xử về thuế tương tự nhau. Chúng tôi khá tự tin rằng các chi phí phát sinh liên quan đến phương án "2 địa điểm - 1 cung đường" (chi thuê phương tiện đưa đón NLĐ, chi thuê địa điểm lưu trú,...) cũng sẽ được trừ khi tính thuế TNDN và không chịu thuế TNCN.

Thứ ba, Công văn 4110 chưa tính đến trường hợp mua các thiết bị không ghi nhận chi phí ngay mà làm tăng tài sản cố định, sau đó sẽ được trích khấu hao.
 
👉Quan điểm của chúng tôi: Một khi mua sắm thiết bị phòng chống dịch được xem là phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh thì chi phí khấu hao trong trường hợp thiết bị đó là TSCĐ cũng được tính vào chi phí được trừ. Bên cạnh đó, theo quy định tại Thông tư 96/2015/TT-BTC, tài sản cố định phục vụ cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp được trích khấu hao tính vào chi phí được trừ. Do đó, chắc chắn rằng đây là một khoản chi phí được trừ.

Hi vọng rằng một số gợi mở và đề xuất nêu trên sẽ được cơ quan liên quan hướng dẫn cụ thể hơn và đưa vào văn bản pháp luật (ít nhất là ở cấp thông tư) để tạo thống nhất trong triển khai thực hiện.


Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

Bài viết chỉ chứa đựng thông tin chung và nhằm mục đích tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn cho trường hợp cụ thể của người đọc. Vui lòng cân nhắc kĩ càng trước khi sử dụng để đưa ra các quyết định.