Thiếu thống nhất trong hướng dẫn thuế TNCN quà tặng cho nhân viên, xử lý ra sao?

Tặng quà cho nhân viên thì tính chung vào thu nhập từ tiền lương tiền công hay xác định là thu nhập từ quà tặng để kê khai từng lần? Hai cục thuế của 2 thành phố lớn nhất cả nước đang có quan điểm khác nhau về vấn đề này.

Xác định lợi ích nhận được từ quà tặng thuộc nhóm thu nhập nào không chỉ đơn thuần là vấn đề về phân loại. Việc xác định sai sẽ dẫn đến bị xử phạt về cả thủ tục thuế và số tiền thuế do khác biệt giữa 2 loại thu nhập ở kỳ tính thuế, tờ khai thuế, tỉ lệ tính thuế.

Sau đây là tổng hợp một số công văn hướng dẫn của các cục thuế về vấn đề này:


1, QUAN ĐIỂM CỦA CƠ QUAN THUẾ

1.1, Quan điểm tính vào thu nhập từ tiền lương, tiền công

Tại Công văn 3552/CT-TTHT ngày 8/4/2020, Cục thuế TP.HCM hướng dẫn:

"Trường hợp cá nhân là người lao động trong Công ty được Công ty tặng quà bằng hiện vật, tặng quà theo hình thức bốc thăm trúng thưởng, tặng phiếu mua hàng cho nhân viên thì khoản chi trả này là khoản lợi ích người lao động được hưởng, được tính vào thu nhập chịu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công của người lao động."

1.2, Quan điểm tính vào thu nhập từ quà tặng

Tại Công văn 77326/CT-TTHT ngày 21/11/2018, Cục thuế Hà Nội hướng dẫn:

"Trường hợp cá nhân là người lao động trong Chi nhánh được Chi nhánh tặng quà bằng hiện vật không thuộc thu nhập chịu thuế từ quà tặng theo quy định tại khoản 10 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC thì không phải kê khai, nộp thuế TNCN đối với quà tặng này."

Tại Công văn 7340/CT-TTHT ngày 25/2/2019, Cục thuế Hà Nội hướng dẫn:

"1. Trường hợp cá nhân là người lao động trong Công ty được Công ty tặng quà bằng hiện vật không thuộc thu nhập chịu thuế từ quà tặng theo quy định tại Khoản 10, Điều 2, Thông tư số 111/2013/TT-BTC thì không phải kê khai, nộp thuế TNCN đối với quà tặng này."

Tại Công văn 10145/CT-TTHT ngày 5/4/2021, Cục thuế Hà Nội hướng dẫn:

"Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp Công ty TNHH Khu công nghiệp Thăng Long thực hiện tặng quà bằng hiện vật cho nhân viên, nếu quà tặng mà nhân viên Công ty nhận được không thuộc các khoản quy định tại Khoản 10 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính nêu trên thì không phải chịu thuế thu nhập cá nhân từ nhận quà tặng."

Như vậy, theo Cục thuế Hà Nội, quà tặng cho nhân viên được xác định là thu nhập từ quà tặng và:
- Trường hợp thuộc các khoản được quy định tại Khoản 10 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC (ví dụ như tài sản phải đăng kí sở hữu như ô tô, xe máy): phải chịu thuế TNCN từ quà tặng.
- Trường hợp KHÔNG thuộc các khoản được quy định tại Khoản 10 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC (ví dụ như tiền mặt, voucher,...): KHÔNG phải chịu thuế TNCN.

📢 [Cập nhật] 

Năm 2022, Cục thuế Hà Nội thay đổi quan điểm về vấn đề này. Tại Công văn 46550/CT-TTHT ngày 22/9/2022, cơ quan này hướng dẫn:

"Trường hợp Công ty tổ chức thực hiện tặng quà cho nhân viên mà quà tặng không thuộc các quy định tại Khoản 10 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính thì không phải chịu thuế TNCN từ nhận quà tặng. Trường hợp Công ty chi khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền mang tính chất tiền lương, tiền công cho người lao động thì tính vào thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công cho cá nhân người lao động theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC."

Như vây, Cục thuế Hà Nội không còn hướng dẫn theo hướng duy nhất là thu nhập từ quà tặng nữa. Doanh nghiệp phải tự xác định khoản quà tặng này có bản chất là tiền lương, tiền công hay không để tính vào thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công.

2, PHÂN TÍCH:

Sự thiếu thống nhất của 2 Cục thuế xuất phát từ việc tiêu chí phân loại thu nhập chịu thuế TNCN không đồng nhất: Nếu như thu nhập từ tiền lương, tiền công được xác định dựa trên đối tượng trả thu nhập (người sử dụng lao động trả cho người lao động) thì các thu nhập chịu thuế còn lại được phân loại dựa trên hoạt động tạo ra thu nhập (ví dụ như đầu tư vốn, thừa kế, quà tặng,...). Do đó, hoàn toàn có thể xảy ra tình huống một khoản thu nhập phù hợp với tiêu chí của 2 nhóm thu nhập chịu thuế khác nhau.

Theo quan điểm của chúng tôi, việc tính giá trị quà tặng vào thu nhập từ tiền công, tiền lương là phù hợp hơn. Tại Thông tư 111/2013/TT-BTC đã quy định các khoản chi cho dịch vụ phục vụ cho cá nhân như vui chơi, thể thao, giải trí,... phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN từ tiền công, tiền lương. Trên thực tế, thay vì chi trả trực tiếp các dịch vụ này cho bên cung cấp, có nhiều doanh nghiệp mua voucher dịch vụ (ví dụ như thẻ tập gym) để "tặng" cho nhân viên. Như vậy, mặc dù được gọi là "quà tặng", nhưng có thể thấy bản chất của khoản lợi ích này không thay đổi; do đó không nên được xếp vào thu nhập từ quà tặng.

3, KẾT LUẬN:

Rõ ràng, không nên xử lí thuế theo hướng cùng là một khoản lợi ích chi cho nhân viên, nếu nó được gọi tên cụ thể tại Thông tư thì được tính vào thu nhập từ tiền lương, tiền công; nếu nó là "lợi ích khác" chưa được gọi tên cụ thể và được doanh nghiệp gọi là "quà tặng" thì xếp vào thu nhập từ quà tặng.

Do đó, để đảm bảo tính nhất quán, các cơ quan thuế nên thống nhất xếp các khoản quà tặng bằng tiền, hiện vật cho nhân viên vào thu nhập từ tiền lương, tiền công.

Tuy nhiên, trong bối cảnh các cục thuế còn có quan điểm khác nhau, chúng tôi khuyến nghị doanh nghiệp tham vấn ý kiến của cơ quan thuế bằng văn bản/qua cổng hỗ trợ trực tuyến. Doanh nghiệp nên nêu rõ cách thức tặng quà nhân viên một cách cụ thể (dịp/sự kiện nào, điều kiện nhận quà,...) để các cục thuế có thể hướng dẫn một cách chi tiết. Trường hợp nội dung trả lời chưa thỏa đáng, các doanh nghiệp có thể cân nhắc ghi rõ trong hồ sơ kế toán theo "câu chữ" của Thông tư 111, ví dụ: chi khoản lợi ích dưới hình thức hiện vật cho nhân viên (do tại điểm đ khoản 2 Điều 2 quy định thu nhập từ tiền lương tiền công bao gồm "các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền...được hưởng dưới mọi hình thức"); trên cơ sở đó tính vào thu nhập từ tiền lương, tiền công. 


Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

Bài viết chỉ chứa đựng thông tin chung và nhằm mục đích tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn cho trường hợp cụ thể của người đọc. Vui lòng cân nhắc kĩ càng trước khi sử dụng để đưa ra các quyết định.