Công văn số 1938/BTC-TCT là văn bản khá kịp thời của Bộ Tài chính để giải đáp băn khoăn về hiệu lực pháp lý của nhiều thông tư thuế.
Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 (“Luật Quản lý thuế 2019”) có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2020. Trong khi đó, tương đối nhiều thông tư do Bộ Tài chính ban hành đang căn cứ trên Luật Quản lý thuế cũ.
Tại Điều 154 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 có quy định:
“Điều 154. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực
Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong các trường hợp sau đây:
… 4. Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực.”
Dẫn chứng quy định này, có rất nhiều ý kiến băn khoăn từ phía người nộp thuế về hiệu lực của các thông tư được ban hành căn cứ vào Luật quản lý thuế cũ.
Đây chính là lí do Bộ Tài chính phải có công văn làm rõ.
2, Văn bản nào là văn bản quy định chi tiết thi hành?
Tại Điều 11 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 có quy định:
“Điều 11. Văn bản quy định chi tiết
1. Văn bản quy phạm pháp luật phải được quy định cụ thể để khi có hiệu lực thì thi hành được ngay. Trong trường hợp văn bản có điều, khoản, điểm mà nội dung liên quan đến quy trình, quy chuẩn kỹ thuật và những nội dung khác cần quy định chi tiết thì ngay tại điều, khoản, điểm đó có thể giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định chi tiết. Văn bản quy định chi tiết chỉ được quy định nội dung được giao và không được quy định lặp lại nội dung của văn bản được quy định chi tiết.”
Quy định này thừa kế Luật Ban hành VBQPPL trước đó (năm 2008).
Cả 2 Luật Ban hành VBQPPL 2008 và 2015 đều không nêu cụ thể định nghĩa của “văn bản quy định chi tiết”. Tuy nhiên từ nội dung của các điều khoản, có thể hiểu văn bản quy định chi tiết chỉ ra đời khi cơ quan ban hành nó được giao nhiệm vụ, thường là tại một VBQPPL cấp cao hơn (ví dụ: Luật giao cho Chính phủ quy định chi tiết (tại Nghị định), Nghị định giao cho các Bộ quy định chi tiết (tại Thông tư)).
Tại các văn bản quy định chi tiết sẽ thường tự mình đặt tên cho nó là “quy định chi tiết” để phân biệt với các loại văn bản khác (ví dụ: Nghị định số 126/2020/NĐ-CP có tên là Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế).
Không phải toàn bộ các Nghị định, Thông tư đều là văn bản quy định chi tiết. Ngoài chức năng “quy định chi tiết”, theo Điều 19 Luật Ban hành VBQPPL 2015, Nghị định còn được ban hành để quy định biện pháp để tổ chức thi hành Hiến pháp, luật,… hoặc để thực hiện chính sách thuộc thẩm quyền quản lý, điều hành của Chính phủ. Tương tự, ngoài “quy định chi tiết”, theo Điều 24 Luật Ban hành VBQPPL 2015, Thông tư còn được sử dụng để quy định biện pháp để thực hiện chức năng quản lý nhà nước của các Bộ, cơ quan ngang Bộ.
3, Tại sao 24 thông tư nêu tại Công văn 1938 không hết hiệu lực?
Qua rà soát, nghiên cứu về mặt pháp lý, Bộ Tài chính cho rằng nhiều thông tư hướng dẫn về quản lý thuế không phải là văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành Luật Quản lý thuế cũ.
Bộ Tài chính lập luận rằng Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008 chưa xuất hiện khái niệm “văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành” (dù người viết nhận thấy đã có hẳn một điều riêng về “văn bản quy định chi tiết” (!?)). Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh căn cứ để ban hành các thông tư như 156/2013, 92/2015, 99/2016 không chỉ là Luật Quản lý thuế mà còn bao gồm Luật thuế GTGT, Luật thuế TNDN,…; đồng thời việc ban hành thực hiện theo thẩm quyền chung của Bộ Tài chính, không đơn thuần thực hiện theo nhiệm vụ được giao tại Luật và Nghị định.
Như vậy, xem ra lời giải thích của Bộ Tài chính là chưa hoàn toàn thuyết phục (cho việc khẳng định 24 thông tư tại Công văn 1938 không phải là VBQPPL quy định chi tiết).
Tuy nhiên, theo Luật Quản lý thuế mới, NNT không bị xử phạt khi thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Do đó, NNT có thể yên tâm phần nào khi thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn 1938/BTC-TCT.
4, Ứng xử thế nào với các quy định mới tại Luật và Nghị định?
Tại điểm 2 của Công văn 1938/BTC-TCT có nêu:
“Các quy định tại các Thông tư nêu tại điểm 1 công văn này (trừ những nội dung đã được quy định cụ thể tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ) tiếp tục có hiệu lực cho đến khi có văn bản quy phạm pháp luật khác thay thế.”
Như vậy, các quy định tại 24 Thông tư nêu tại 1938/BTC-TCT tiếp tục có hiệu lực thi hành, nhưng KHÔNG BAO GỒM các nội dung đã được quy định chi tiết tại Luật Quản lý thuế 2019 và Nghị định 126/2020/NĐ-CP.
5, Khuyến nghị
Trong thời gian chờ ban hành thông tư hướng dẫn Luật Quản lý thuế 2019 và Nghị định 126/2020/NĐ-CP (hiện BTC đã có dự thảo và gửi xin góp ý), NNT cần nghiên cứu, nắm bắt các quy định mới tại 2 văn bản này.
Bộ Tài chính đã ban hành Công văn số 5189/TCT-CS giới thiệu các nội dung mới của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý thuế. Công văn này đã tổng hợp toàn bộ các điểm mới của Nghị định 126, giúp NNT dễ theo dõi, nắm bắt.
Trường hợp có các nội dung chưa thực hiện được (ví dụ như chưa có công thức tính, chưa có biểu mẫu kê khai,…) hoặc các vướng mắc khác, khuyến nghị NNT gửi công văn xin hướng dẫn trực tiếp tới Cục thuế/Chi cục thuế quản lý.
Tags:
[Special]
Bộ Tài chính
Luật Ban hành VBQPPL 2015
Luật Quản lý thuế 2019
nên đọc
Nghị định 126
phân tích
quản lý thuế
thuế chuyên sâu