Liệu ra nước ngoài có giúp OTA nội địa né thuế?

Để được tính thuế giống như Agoda, Traveloka..., các đại lý du lịch trực tuyến (OTA) nội địa đã có kế hoạch chuyển sang đăng ký kinh doanh tại các quốc gia khác như Singapore. Nhưng liệu bài toán về thuế đã được tính toán đúng?

Theo phản ánh của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân gửi tới Bộ Tài chính, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đang cho rằng có khác nhau giữa OTA nội và ngoại liên quan đến tính thuế. Từ đó, các doanh nghiệp này cho rằng OTA nội địa sẽ không thể cạnh tranh giá với các OTA nước ngoài, gây mất bình đẳng cho môi trường kinh doanh. 


Vậy các phản ánh này có phù hợp với thực tế pháp luật hiện nay? Trong bài viết này, MyVietnamTax xin đưa ra các quan điểm và đánh giá của mình.

Khác nhau trong kê khai thuế giữa OTA nội và ngoại

Do OTA ngoại không có cơ sở thường trú tại Việt Nam nên theo quy định hiện hành, có sự khác nhau về các nghĩa vụ liên quan thuế. Cụ thể:

- Về đối tượng kê khai, nộp thuế:
  • OTA nội: OTA nội trực tiếp kê khai, nộp thuế đối với doanh thu phát sinh
  • OTA ngoại: Cơ sở lưu trú sử dụng dịch vụ môi giới của OTA ngoại sẽ nộp thuế thay (thuế nhà thầu nước ngoài) theo hướng dẫn tại Công văn 848/BTC-TCT năm 2017

- Về doanh thu tính thuế và thuế suất
  • OTA nội: Doanh thu tính thuế là toàn bộ số tiền thu của khách hàng (tiền phòng) và hoa hồng đại lý thu của cơ sở lưu trú, thuế suất TNDN và GTGT đều là 20% và 10%.
  • OTA ngoại: Doanh thu tính thuế chỉ là doanh thu hoa hồng đại lý được hưởng, tỉ lệ tính thuế TNDN và GTGT trên doanh thu là 5% và 5%. Phần tiền phòng sẽ do cơ sở lưu trú Việt Nam tự tính và nộp thuế.

- Về lập hóa đơn
  • OTA nội: Tương ứng với ghi nhận doanh thu, OTA nội lập hóa đơn trực tiếp cho khách hàng đối với tiền phòng, lập hóa đơn cho cơ sở lưu trú đối với tiền hoa hồng. Các cơ sở lưu trú sẽ lập hóa đơn cho OTA nội để OTA nội kê khai đầu vào (không lập trực tiếp cho khách hàng nữa).
  • OTA ngoại: OTA ngoại không xuất hóa đơn GTGT tại Việt Nam. Các cơ sở lưu trú sẽ nộp thay thuế GTGT cho OTA ngoại như đã nói ở trên; đồng thời xuất hóa đơn trực tiếp cho khách hàng đối với tiền phòng (Công văn 2978/TCT-CS ngày 6/7/2017).

Liệu có sự bất bình đẳng về thuế?

Lấy một ví dụ đơn giản để tính toán. Giả sử tiền phòng là 80 đồng và tiền hoa hồng (chưa gồm thuế GTGT) OTA nội và ngoại đều thu là 20 đồng.

- Thuế của OTA nội:
  • GTGT: GTGT đầu ra: (80+20)*10% = 10 đồng. GTGT đầu vào (dựa trên hóa đơn tiền phòng cơ sở lưu trú xuất): 80*10% = 8 đồng. Vậy thuế GTGT phải nộp là: 10 - 8 = 2 đồng.
  • TNDN: Lợi nhuận gộp (Doanh thu - Giá vốn) = 100 - 80 = 20 đồng. Vậy thuế TNDN phải nộp là 20*20% = 4 đồng

- Thuế của OTA ngoại:
  • GTGT: 20*5% = 1 đồng
  • TNDN: 20*5% = 1 đồng

Nếu chỉ nhìn vào các con số ở trên thì dễ thấy OTA nội đang chịu thiệt khi phải nộp tới 6 đồng thuế so với 2 đồng của OTA ngoại. Nhưng đừng vội kết luận.

Bài toán của chúng ta đang quên tính đến việc OTA nội còn được tính đến các chi phí đầu vào khác ngoài tiền phòng. Về bản chất, OTA nội cung cấp dịch vụ đại lý du lịch trực tuyến và cuối cùng họ chỉ có doanh thu thực sự là hoa hồng đại lý. Tương ứng với tiền hoa hồng này là các OTA được tính trừ các chi phí đầu vào phục vụ cho dịch vụ đại lý.

Giả sử chi phí đầu vào của OTA nội ngoài tiền phòng còn có 15 đồng (chi phí nhân viên, hành chính,...); trong đó chi phí có hóa đơn GTGT đầu vào được khấu trừ là 5 đồng. Lúc này, nghĩa vụ thuế của OTA nội như sau:
  • GTGT: 2 - 5*10% = 1,5 đồng
  • TNDN: (20-15)*20% = 1 đồng

Như vậy, sau khi tính đầy đủ các yếu tố, thuế không còn chênh lệch giữa OTA nội và ngoại. Chênh lệch này phụ thuộc vào chi phí thực tế phát sinh của từng doanh nghiệp.


Mấu chốt của bài toán nằm ở đâu?

Các OTA nội phản ánh với Chính phủ về việc OTA ngoại không phải nộp thuế. Lí do là bởi các cơ sở lưu trú Việt Nam trong trường hợp khấu trừ thuế thay theo đúng quy định sẽ đối diện với nguy cơ bị đối tác dừng hợp tác. Nếu quả thực như vậy thì có khả năng cao tại hợp đồng/thỏa thuận của OTA ngoại đã quy định họ được nhận số tiền net sau thuế từ cơ sở lưu trú. 

Khi đó, về bản chất, số tiền hoa hồng mà cơ sở lưu trú phải trả cho OTA ngoại sẽ cao hơn. Vẫn tiếp tục ví dụ ở trên, số tiền mà cơ sở lưu trú phải trả cho OTA nội là 22 đồng (đã gồm thuế GTGT). Nếu cũng trả cho OTA 22 đồng (net) thì thực ra họ phải chịu thêm: thuế TNDN = 22/(1-5%)*5% = 23,16*5% = 1,16; thuế GTGT = 23,16/(1-5%)*5% = 1,22. Tổng số tiền phải chi cho OTA ngoại thực tế là 22 + 1,16 + 2,22 = 24,38 đồng.

Số thuế phải trả thêm cho OTA ngoại này, nếu các cơ sở lưu trú ngậm ngùi chấp nhận bỏ tiền túi ra để bù thì về lâu dài họ sẽ có xu hướng dịch chuyển sang OTA nội để tiết kiệm chi phí. Còn nếu họ chuyển phần thuế nộp thay sang cho người tiêu dùng chịu thông qua tăng giá phòng thì khách hàng sẽ nhìn thấy ngay chênh lệch và cũng lưu tiên OTA hơn khi đặt phòng.

Như vậy, mấu chốt của bài toán không phải ở chính sách thuế. Rõ ràng, nhìn từ phía các cơ sở lưu trú, họ sẽ ưu tiên OTA nội khi phải bỏ ra ít tiền hơn. Nếu trên thực tế các OTA nội đang thu nhiều hơn mức net của OTA ngoại thì cần giải thích rõ với các cơ sở lưu trú (rằng nếu sử dụng dịch vụ của OTA ngoại sẽ phải đóng thay cả phần thuế, khi đó sử dụng dịch vụ của OTA nội vẫn có lợi hơn).

Đăng kí kinh doanh ở nước ngoài có phải là lựa chọn tốt?

Như đã phân tích ở trên, về mặt thuế chưa chắc OTA nội đã chịu thiệt so với OTA ngoại.

OTA chỉ có vẻ được hưởng lợi khi họ sở hữu sức mạnh bên bán (supplier's power), có thể ép được các cơ sở lưu trú nộp và chịu thuế thay mình (do cung cấp nguồn khách hàng chủ yếu). Tuy nhiên, về lâu dài, điều này sẽ dẫn tới việc dịch chuyển sang OTA nội để giảm chi phí. Hoặc việc tăng giá phòng trên OTA ngoại để bù đắp chi phí sẽ dẫn tới việc khách hàng chuyển sang OTA nội.

Nếu OTA nội chuyển sang nước ngoài thì chưa chắc đã đạt được thỏa thuận với cơ sở lưu trú trong nước về việc vẫn thu về tiền net như cũ và cơ sở lưu trú chịu thiệt thòi để nộp thuế thay.

Bên cạnh đó, các OTA sẽ mất một lợi thế cạnh tranh của mình là việc được phép xuất hóa đơn GTGT. Pháp luật về thuế TNDN cho phép các DN được chi nghỉ mát cho nhân viên. Do đó, tương đối nhiều khách hàng cần hóa đơn đầu vào tiền phòng và đã tìm đến các OTA nội để có thể được xuất hóa đơn.

Một vấn đề nữa liên quan đến thuế là chịu đánh thuế 2 lần. Doanh thu hoa hồng vừa phải chịu thuế ở Việt Nam, vừa phải chịu thuế ở nước ngoài nếu nước chuyển tới không có Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần với Việt Nam hoặc điều kiện để áp dụng Hiệp định không được thỏa mãn.

Ngoài ra, theo quy định tại Luật Quản lý thuế mới (2019), các nhà cung cấp nước ngoài ("NCCNN") kinh doanh dựa trên nền tảng số sẽ phải trực tiếp hoặc ủy quyền khai nộp thuế tại Việt Nam. Nếu không thực hiện thì các NHTM có trách nhiệm khấu trừ và nộp thuế đối với các dịch vụ mà NCNNN cung cấp cho các cá nhân, chưa được khấu trừ nộp thay thuế nhà thầu.

Đó là những vấn đề OTA nội cần cân nhắc và tính toán kĩ lưỡng trước khi chuyển ra nước ngoài đăng kí kinh doanh.

Lưu ý đối với các đề xuất thuế

Để đơn giản trong tính thuế, pháp luật Việt Nam cho phép một số trường hợp tính thuế trực tiếp trên doanh thu (thay vì lấy doanh thu trừ chi phí, đầu ra trừ đầu vào). Các tỉ lệ tính trực tiếp trên doanh thu đã được cơ quan thuế tính toán đến yếu tố chi phí, từ đó được quy định ở mức thấp hơn mức thông thường. Điều này không phải là phân biệt về thuế. Do đó, các doanh nghiệp được khuyến nghị cần tính toán đầy đủ các yếu tố về đầu vào trước khi đưa ra các phản ánh kiến nghị về việc chịu thiệt thuế. 

Đọc thêm:

Ảnh: Freepik

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

Bài viết chỉ chứa đựng thông tin chung và nhằm mục đích tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn cho trường hợp cụ thể của người đọc. Vui lòng cân nhắc kĩ càng trước khi sử dụng để đưa ra các quyết định.