Lợi ích nhận từ quỹ công đoàn không chịu thuế TNCN?

Quỹ công đoàn của doanh nghiệp sẽ chi cho người lao động trong doanh nghiệp những khoản như thăm hỏi ốm đau, mừng sinh nhật của người lao động. Vậy khoản lợi ích mà cá nhân nhận được từ Quỹ công đoàn có chịu thuế TNCN không?



Tại Công văn 20657/CT-TTHT ngày 8/4/2020, Cục thuế TP Hà Nội hướng dẫn:

"Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp Công ty TNHH Digilife Việt Nam phát sinh các khoản chi cho người lao động, mà các khoản chi này được trích từ Quỹ Công đoàn, đáp ứng các nhiệm vụ quy định tại Điều 27 Luật Công đoàn số 12/2012/QH13 thì người lao động khi nhận được các khoản chi này, không phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công." 

Tại website của Bộ Tài chính hướng dẫn về vấn đề này như sau:

"Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp Độc giả nhận được các khoản tiền trích từ quỹ Công đoàn của Công ty, đáp ứng các nhiệm vụ quy định tại Điều 27 Luật Công đoàn số 12/2012/QH13 thì không phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công."

Tại Công văn 3845/TCT-DNNCN ngày 15/9/2020, Tổng cục Thuế hướng dẫn:

"- Trường hợp người lao động của tổng công ty cổ phần dệt may Hòa Thọ nhận được khoản hỗ trợ tiền thuê nhà trọ của công đoàn tổng công ty do chịu ảnh hưởng của dịch Covid -19 thì khoản hỗ trợ này là khoản thu nhập không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công."

Như vậy, các doanh nghiệp cần kiểm tra các khoản trích từ quỹ Công đoàn cho nhân viên có phù hợp với quy định tại Điều 27, Luật Công đoàn hay không. Trường hợp phù hợp thì không cần tính khoản tiền này vào thu nhập chịu thuế TNCN của nhân viên.

Điều 27, Luật Công đoàn quy định như sau:

Điều 27. Quản lý, sử dụng tài chính công đoàn
1. Công đoàn thực hiện quản lý, sử dụng tài chính công đoàn theo quy định của pháp luật và quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
2. Tài chính công đoàn được sử dụng cho hoạt động thực hiện quyền, trách nhiệm của Công đoàn và duy trì hoạt động của hệ thống công đoàn, bao gồm các nhiệm vụ sau đây:
a) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động;
b) Tổ chức hoạt động đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động;
c) Phát triển đoàn viên công đoàn, thành lập công đoàn cơ sở, xây dựng công đoàn vững mạnh;
d) Tổ chức phong trào thi đua do Công đoàn phát động;
đ) Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn; đào tạo, bồi dưỡng người lao động ưu tú tạo nguồn cán bộ cho Đảng, Nhà nước và tổ chức công đoàn;
e) Tổ chức hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch cho người lao động;
g) Tổ chức hoạt động về giới và bình đẳng giới;
h) Thăm hỏi, trợ cấp cho đoàn viên công đoàn và người lao động khi ốm đau, thai sản, hoạn nạn, khó khăn; tổ chức hoạt động chăm lo khác cho người lao động;
i) Động viên, khen thưởng người lao động, con của người lao động có thành tích trong học tập, công tác;
k) Trả lương cho cán bộ công đoàn chuyên trách, phụ cấp trách nhiệm cho cán bộ công đoàn không chuyên trách;
l) Chi cho hoạt động của bộ máy công đoàn các cấp;
m) Các nhiệm vụ chi khác.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

Bài viết chỉ chứa đựng thông tin chung và nhằm mục đích tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn cho trường hợp cụ thể của người đọc. Vui lòng cân nhắc kĩ càng trước khi sử dụng để đưa ra các quyết định.