Ngày 18/3/2020, Cục thuế thành phố Hà Nội có Công văn số 12411/CT-TTHT trả lời Ngân hàng MUFG Bank, Ltd - Chi nhánh Hà Nội về dự phòng rủi ro tín dụng.
Theo đó, Cục thuế Hà Nội đã dẫn lại quy định tại Điều 1, Thông tư 48/2019/TT-BTC như sau:
"Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
...
2. Thông tư này áp dụng đối với các đối tượng là các tổ chức kinh tế (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp) được thành lập, hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập hợp pháp tại Việt Nam thực hiện trích lập và xử lý các khoản dự phòng theo quy định tại Thông tư này. Riêng đối với dự phòng rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện trích lập và sử dụng theo quy định do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành sau khi thống nhất với Bộ Tài chính.”
Trên cơ sở đó và các văn bản pháp luật có liên quan, Cục thuế Hà Nội hướng dẫn:
"Trường hợp Ngân hàng MUFG Bank, Ltd - Chi nhánh Hà Nội phát sinh khoản chi trích lập dự phòng chung theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước (không thuộc các khoản chi do các nguồn kinh phí khác đài thọ), phù hợp với quy định tại Nghị định 93/2017/NĐ-CP ngày 7/8/2017, Thông tư 02/2013/TT-NHNN ngày 21/1/2013, các văn bản quy phạm pháp luật khác về trích lập dự phòng và quy định pháp luật về thuế thì Ngân hàng MUFG Bank, Ltd - Chi nhánh Hà Nội được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN."
Như vậy, để chi phí dự phòng rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN thì cần tuân thủ các quy định:
- Nghị định 93/2017/NĐ-CP (được hướng dẫn bởi Thông tư 16/2018/TT-BTC)
- Thông tư 02/2013/TT-NHNN
- Các văn bản quy phạm pháp luật khác về trích lập dự phòng
- Quy định pháp luật về thuế
Cần phải nói thêm rằng, hiện tại, quy định pháp luật về thuế TNDN chưa có hướng dẫn cụ thể về chi phí dự phòng rủi ro trong hoạt động của TCTD. Tại Thông tư 96/2015/TT-BTC chỉ quy định chung chung về khoản chi không được trừ bao gồm "2.19. Trích, lập và sử dụng các khoản dự phòng không theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính về trích lập dự phòng: dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính, dự phòng nợ phải thu khó đòi, dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hoá, công trình xây lắp và dự phòng rủi ro nghề nghiệp của doanh nghiệp thẩm định giá, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kiểm toán độc lập." Hướng dẫn của Bộ Tài chính được đề cập ở đây chính là Thông tư 48/2019/TT-BTC. Tuy nhiên, như đã dẫn ở trên, tại Thông tư 48/2019/TT-BTC không quy định về dự phòng rủi ro trong hoạt động của TCTD. Do đó, "quy định pháp luật về thuế" mà các TCTD phải tuân thủ theo Công văn số 12411/CT-TTHT nêu trên có lẽ dùng để chỉ nguyên tắc chung cho các khoản chi được trừ bao gồm: "a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật; c) Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt."
Ảnh: CafeF